Bến Tre: Tập trung hỗ trợ phát triển thương mại điện tử

25/09/2024 - 08:36

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh có bước phát triển. Bên cạnh thương mại truyền thống khá sôi động, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng. Người dân đã hình thành thói quen trong việc ứng dụng công nghệ số để mua hàng trực tuyến, đặc biệt là mua hàng qua các sàn TMĐT đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người dân. Người bán cũng đa dạng và đông đảo hơn từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) đến cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh từ thành thị đến nông thôn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Phú, huyện Châu Thành được hỗ trợ tham gia hoạt động thương mại điện tử và bán hàng sản phẩm OCOP.

Chỉ số thương mại điện tử đạt khá

Theo kết quả từ hệ thống quản lý hoạt động TMĐT của Bộ Công Thương (http://online.gov.vn) tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh có 160 đơn vị có Website thông báo bán hàng, 1 Website cung cấp dịch vụ TMĐT và còn rất nhiều DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ứng dụng Facebook, YouTube, Zalo, TikTok… để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Chỉ số TMĐT của tỉnh luôn đứng tốp đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, Sở Công Thương có nhiều hoạt động hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS) nói chung và phát triển các hoạt động TMĐT nói riêng; trong đó có nhiều định hướng, kế hoạch cụ thể triển khai hoạt động TMĐT. Sở Công Thương đã hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp về CĐS làm nền tảng phục vụ tốt cho TMĐT; đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ DN tham gia các sàn giao dịch điện tử: Lazada, Sendo, Tiki, Alibaba, Amazon... Hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, đặc sản Bến Tre. Xây dựng sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre”; bộ công cụ quảng bá thương hiệu trực tuyến sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, đào tạo kỹ năng về xúc tiến thương mại trên môi trường mạng, ứng dụng các nền tảng TMĐT, nền tảng mạng xã hội, TMĐT xuyên biên giới bán hàng đa kênh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trang bị kiến thức pháp luật TMĐT cho cơ quan quản lý nhà nước và các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, HTX trên địa bàn tỉnh. Qua đó, từng bước tạo dựng môi trường, hệ sinh thái phát triển TMĐT cho các DN trên địa bàn tỉnh. Nhiều tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai, ứng dụng việc mua bán, trao đổi, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên môi trường mạng và thu được những kết quả rất khả quan.

Tuy nhiên, so với cả nước, chỉ số TMĐT của tỉnh chỉ xếp vị trí thứ 33/58 tỉnh, thành được khảo sát. Nguyên nhân do nhiều DN chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng TMĐT theo chiều sâu, chưa bắt kịp những tiến bộ công nghệ mới. Sự sẵn sàng của các DN thuộc các thành phần kinh tế vào hoạt động TMĐT chưa cao.

Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm cho biết: Đa số các DN có website nhưng chỉ dừng lại ở dạng giới thiệu, quảng bá DN, sản phẩm. Mức độ thực hiện giao dịch TMĐT trên môi trường mạng chưa nhiều. Nhận thức của DN về CĐS nói chung và TMĐT chưa cao. Năng lực, trình độ nguồn nhân lực về TMĐT của một số DN, HTX... còn hạn chế. Công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh chưa đi vào chiều sâu do thiếu công cụ và chuyên môn trong kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến TMĐT.

Định hướng phát triển thời gian tới

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm, trong thời gian tới, sở sẽ tập trung các yếu tố mang tính nền tảng như: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác truyền thông. Nâng cao nhận thức về lợi ích và hiệu quả của TMĐT cũng như các quy định pháp luật về TMĐT đến cộng đồng DN và người dân trên địa bàn tỉnh. Tập huấn bồi dưỡng về các quy định của pháp luật liên quan đến TMĐT, việc tận dụng các lợi thế từ các Hiệp định CPTPP và EVFTA mang lại. Hoàn thiện sàn giao dịch TMĐT “Đặc sản Bến Tre”. Hỗ trợ các DN tham gia giới thiệu, quảng bá, bán hàng trên các sàn TMĐT trong và ngoài nước như: Voso, Postmart, Tiki, Shopee, Sendo, Lazada, Amazon, Alibaba... và trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, YouTube, ZaLo, TikTok.

Sở đề xuất kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về TMĐT. Thực hiện công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, phù hợp, thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực TMĐT. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng người tiêu dùng.

Ngoài ra còn triển khai nhóm giải pháp phát triển hệ sinh thái TMĐT như: Hỗ trợ xây dựng các giải pháp và chính sách nhằm phát triển hệ sinh thái TMĐT, gồm: Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ 4.0 và hợp tác với các nền tảng TMĐT lớn để giúp DN tỉnh dễ dàng hơn trong việc mở rộng thị trường… Ngoài việc phát triển TMĐT trong nước, tỉnh còn tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là kết nối DN tỉnh với thị trường quốc tế thông qua các nền tảng TMĐT.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh, từ ngày 1-1 đến  9-9-2024, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp kiểm tra 108 vụ hoạt động kinh doanh TMĐT. Qua kiểm tra, 108 vụ đều vi phạm, đã xử lý 98 vụ. Các hành vi vi phạm như: Không thông báo website TMĐT bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website TMĐT bán hàng khi chưa được duyệt. Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ…

Theo CẨM TRÚC (Báo Đồng Khởi)