Bốc xếp cừ tràm, nghề bán sức lao động

03/02/2021 - 10:35

ó một nghề tại xứ tràm không chỉ giúp nhiều hộ ăn nên làm ra mà còn vực dậy kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động chưa qua đào tạo. Bên cạnh các nghề nuôi tôm, cua, trồng lúa, buôn bán nhỏ..., nghề vựa cừ tràm còn là thế mạnh riêng của xã Nguyễn Phích. Tết nay có nhiều thay đổi, nhất là trong đời sống kinh tế, anh em làm nghề này cũng có những trăn trở vui buồn lẫn lộn...

A A

Ðời tràm... đời người

Dọc tuyến lộ chính từ Cà Mau về huyện U Minh, có đoạn cừ tràm xếp nối tiếp nhiều bãi, kéo dài hàng cây số, bãi nào bãi nấy tràm cao quá đầu.

Ngồi lại kể về nghề, 2 ông chủ vựa cừ tràm chia sẻ tình hình làm ăn những ngày cuối năm. Tính luôn cái Tết này, anh Bùi Văn Vũ, 37 tuổi, đã có 6 năm gắn bó với nghề thu mua cừ tràm. Anh Vũ kể: “Hồi xưa tôi khổ, cũng nhờ cây tràm mới đỡ, nên giờ tôi không thể bỏ cây tràm được. Nói chung là cũng thích nghề này, khoái vô rừng, được gặp khách hàng nên càng ngày tôi càng yêu nghề hơn”.

Xã Nguyễn Phích với lợi thế nằm ngay trục lộ chính, giao thông thuận tiện, cứ cách 1 cây số là có một con kênh, nên việc trồng tràm hay vận chuyển tràm sau khi thu hoạch khá dễ dàng. Mặt khác, người dân tại đây ngoài trồng tràm còn trồng lúa, nuôi tôm, cua, hoặc nếu không vốn, không tư liệu sản xuất có thể nhờ vào vựa tràm mà sinh sống. Nhờ vậy mà nghề vác, bốc xếp cừ tràm cũng là một trong những nghề thu hút nhiều lao động tại xứ này.

Anh Danh Thanh Ðiền, 28 tuổi, ở Ấp 16, xã Nguyễn Phích, là nhân công vác cừ tràm. Trước đó anh từng qua nghề chạy ghe tràm, đốn cây, rồi lên bãi. Mỗi thời điểm đều có những kỷ niệm riêng, nhưng với anh, trân trọng nhất vẫn là công việc và những người anh em làm chung.

Tính từ đoạn xã Khánh An kéo dài qua Nguyễn Phích, đến thị trấn U Minh, có 25 điểm tập kết cừ tràm.

Anh Ðiền bộc bạch: “Hồi đó giờ làm cây là nghề chính, ở đây ngoài làm cây thì kiếm công việc khác cũng khó. Làm nghề này đủ sống, lo cho gia đình được, trung bình mỗi tháng khoảng 7-10 triệu đồng không chừng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít”.

Là dân lao động chân tay, trình độ thấp nên có thời gian anh Ðiền bỏ xứ đi làm cho công ty, nhưng như anh nói: “Dù đi đâu cũng chọn quê hương để quay trở về gắn bó, có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều. Giờ ngoài việc, sáng đi vác cây, ở nhà nuôi, heo, gà, vịt thêm”.

Không câu nệ chuyện làm cực hay nhàn, vì đối với anh Ðiền và những anh em làm chung, mỗi nghề sẽ có cái khổ, sướng khác nhau, không so đo được. Vì các anh quan niệm “làm việc nặng thì nhẹ đầu óc, còn nhẹ đầu thì nặng chân tay, đâu cũng vào đó”.

Còn như ông chủ vựa tràm Nguyễn Minh Dương (Ấp 9, xã Nguyễn Phích), cũng là người “phất” lên nhờ cây tràm. Nghề này làm chủ không khó, nhưng đòi hỏi phải vui vẻ và có nhiều mối quan hệ khách hàng, như vậy mới trụ được lâu dài.

Có hẳn 2 bãi tràm, nhưng là bãi thuê, mỗi năm anh Dương phải trả cho chủ đất 20 triệu đồng. Dưới anh Dương là hơn 20 nhân công ngày ngày chờ anh phát lương về nuôi vợ con, bình quân một người bỏ túi 6 triệu đồng/tháng, cơm tự túc, sáng 7 giờ bắt đầu làm đến 11 giờ trưa, chiều thì 13 giờ 30 đến 17 giờ.

Anh Dương cho biết: “Ngoài tiền công được tính theo phần trăm, anh em làm ngoài giờ thì dao động trả từ 70.000-100.000 đồng/giờ. Tôi làm tới đâu anh em theo tới đó, gắn bó từ đó đến nay nên thương lắm. Ai trong nghề đều trông Tết để bán, vì thời điểm này kéo dài đến mùa hạn, người ta xây nhà nhiều lắm, tràm lên bao nhiêu vơi bấy nhiêu”.

Làm nghề gì cũng chia công cán, thứ bậc, nghề cừ tràm cũng vậy. Theo anh Vũ, ở vựa tràm chia làm 3 tốp: tốp đốn cây, tốp chở cây, tốp bốc xếp. Trong tốp này, nhân công đốn cây là cực nhất. Do vậy tiền họ lãnh cao nhất, bình quân mỗi người thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày.

Nói về sự cực khổ của anh em, như để minh chứng, anh Vũ vừa nói vừa mở điện thoại quay hình ảnh anh em đốn cây vào mùa mưa, mùa nước ngập. “Mỗi sáng có khi 4, 5 giờ, anh em đã kéo nhau vô rừng. Mùa mưa, nước ngập đến nửa người, vậy mà trong cái lạnh teo, anh em phải ngụp lặn trong dòng nước để cưa, đốn cây. Vừa mất sức, vừa tốn thời gian. Có khi ngụp được vài hơi thì mất sức, nên đòi hỏi sức khoẻ tốt, dẻo dai, chịu được cái lạnh và ngâm mình trong nước nhiều giờ liền. Tuy nhiên, anh em chỉ làm nửa ngày thôi, nhiêu đó là đủ mệt đừ rồi”, anh Vũ kể.

Cừ “sựng”

Ðó cũng là câu chuyện bên lề của những hộ vựa cừ tràm khi Tết đến xuân về. Thường thì ngay thời điểm này cũng là dịp họ ăn nên làm ra, không khí tại các bến xuất, vận chuyển cừ tràm vẫn tất bật, vẫn nhộn nhịp nhưng có điều là lượng tràm xuất đi giảm so với những năm trước.

Anh Dương dù cười nhưng trong những câu trả lời vẫn không quên kèm vài câu than thở: “Bán dở hơn mọi năm, giá tràm lên xuống không biết đường mò...”.

Vì ảnh hưởng chung của dịch bệnh, kéo theo nền kinh tế có sự biến động khá lớn, không chỉ nghề thu mua cừ tràm, mà tất cả các ngành hàng may mặc, thực phẩm... đều ì ạch, cầm cự qua ngày. “Mọi năm tôi xuất hơn 500.000 cây tràm các cỡ, nhưng giờ còn mấy ngày nữa là Tết, vậy mà mới hơn 200.000 cây. Hình như làm ăn không được nên ít ai cất nhà”, anh Dương cho biết.

Ngoài thương lái thu mua, mối của các vựa tràm còn có những nhà thầu chuyên cất nhà để bán. Dù vậy, tiền công, tiền thưởng của anh em lao động vẫn phải trả đủ.

Cũng nhắc đến ngày Tết, ngoài tiền công, anh em nào theo chủ vựa tràm lâu năm còn được thưởng “lương tháng 13”, như dân đi làm việc hẳn hòi chứ chẳng chơi. Chưa hết, dân lao động, ban ngày lao động mệt nhọc, ban đêm ngủ một mạch tới sáng, làm cứ làm, chơi cứ chơi, ăn cứ ăn. Do vậy, để khép lại một năm, anh em cùng ngồi lại bên nhau “mần” một chầu thật hoành tráng trước khi chia tay ai về nhà nấy.

Anh Vũ tâm tình: “Tết cũng chuẩn bị quà cho anh em, ngoài tiền công được trả cao hơn ngày thường. Bình thường cứ độ nửa tháng thì tổ chức cho anh em “lai rai” chút đỉnh. Nhưng tiệc tất niên cuối năm là phải có, để ăn mừng một năm làm lụng cực khổ đã qua. Lúc này ngồi quây quần bên nhau như một gia đình, đông vui lắm”.

Anh Nguyễn Văn Yên, Hạt Kiểm lâm huyện U Minh, phụ trách địa bàn xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Tính từ đoạn xã Khánh An kéo dài đến thị trấn U Minh, có tất cả 25 điểm tập kết thu mua cừ tràm. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, nên tình hình buôn bán không nhộn nhịp như mọi năm. Nếu mọi năm họ trông Tết đến để bán bao nhiêu thì năm nay than thở bấy nhiêu. Mùa Tết cũng là mùa nghề này ăn nên làm ra, thành bại, dư đủ trong mùa này. Chuyện tràm xuất chậm nhất trong mùa vốn dĩ tiêu thụ mạnh nhất khiến anh em rầu cũng là chuyện thường”.

Dứt câu chuyện, anh Dương có điện thoại gọi tới, nét mặt trở nên tươi rói. Ở đầu dây bên kia thương lái từ Sài Gòn thoả thuận nhập tràm, không biết đơn hàng có “khủng” hay không, nhưng thoáng chút “mùa xuân” đã về trên nét mặt của ông chủ vựa.../.

Theo NGÔ NHI (Báo Cà Mau)