Hội nghị nhận được sự quan tâm và tham gia của 100 đại biểu ở các lĩnh vực liên quan đến nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và doanh nghiệp.
Tính đến tháng 8, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 278.488 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh 1.767 ha, siêu thâm canh 4.612 ha.
Theo đánh giá của các đại biểu tại hội nghị, hiện nay chi phí sản xuất tôm của Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng còn cao hơn so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador,... Từ đó, doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá tại một số thị trường nhập khẩu lớn, kéo theo người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là về giá thành.
Thực tế, giá tôm trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến bất lợi cho người nuôi, nhiều cỡ tôm giảm giá ở mức thấp. Cụ thể giá cập nhật ngày 20/8/2023, tôm thẻ chân trắng (ao bạt) từ kích cỡ 20-100 con/kg giảm từ 21.000-62.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022.
Giá thành tôm nguyên liệu giảm đã khiến đa số người nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn. Theo kết quả khảo sát cho thấy, có đến trên 90% các hộ nuôi tôm TC,STC thiếu vốn sản xuất và hình thức sản xuất hiện tại của các hộ nuôi tôm thông qua vốn đầu tư của đại lý, nhà phân phối là chính.
Thiếu vốn nhưng để tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng cũng vô cùng khó, nhất là bằng hình thức tín chấp.
Ông Vũ Hồng Nam, Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cà Mau, cho biết đến nay không có dự án nào đầu tư cho nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh dù vốn của ngân hàng còn rất lớn.
Ông Vũ Hồng Nam, Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cà Mau, cho biết đến nay không có dự án nào đầu tư cho nuôi tôm TC,STC. Mặc dù thời gian qua có nhiều chính sách khuyến khích cho vay theo hình thức tín chấp, tuy nhiên quà rà soát thì đa phần không đủ điều kiện. Hiện vốn của ngân hàng còn rất lớn.
“Việc cho vay theo hình thức tín chấp thông qua chuỗi liên kết không phải là mới, nhưng các chuỗi này lại không bền vững, rất dễ bị phá vỡ; đã từng xảy ra tỉnh trạng người nuôi bán sản phẩm ra ngoài”, ông Nam nêu thực tế.
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản, kiến nghị nhiều giải pháp để giảm giá thành trong nuôi tôm TC,STC.
Đặc biệt, thức ăn là loại chí phí chiếm hơn 50% tổng giá thành nuôi tôm. Theo đó, ông Trung đề xuất cần nâng cao hiệu quả sử dụng của thức ăn cho tôm bằng việc lựa chọn thức ăn có độ đạm phù hợp; quản lý thức ăn trong ao nuôi hợp lý, tránh dư thừa; quản lý tốt các yếu tố ảnh hưởng tăng trưởng và hấp thụ chuyển hoá thức ăn,… Người nuôi tôm cần hạn chế thấp nhất việc mua thức ăn với hình thức trả chậm; thực hiện liên kết để được hỗ trợ giá; nhà sản xuất và nhà phân phối thức ăn có chính sách hỗ trợ người nuôi.
Ngoài ra, các loại thuốc, hóa chất cải tạo môi trường, thức ăn bổ sung hay nhiên liệu, trang thiết bị, dụng cụ cũng là loại chi phí chiếm từ 15-20% trong tổng giá thành nuôi tôm. Do đó, cần chọn các thiết bị phục vụ cho nuôi tôm đảm bảo chất lượng về độ bền (chất lượng bạt lót ao, motor, cầu dao điện, dây dẫn điện,…) và tiêu hao nhiên liệu hiệu quả; cần áp dụng quy trình, công nghệ nuôi giảm sử dụng thuốc, hóa chất cải tạo môi trường; nghiên cứu sử dụng hiệu quả chế phẩm sinh học trong nuôi tôm.
Thức ăn là loại chi phí chiếm hơn 50% tổng giá thành nuôi tôm.
Theo ông Đặng Hải Đăng, thành viên Hội quán nuôi tôm Đoàn Kết (xã Hoà thành, TP Cà Mau), ngoài vốn thì kỹ thuật không kém phần quan trọng. Bởi, chỉ cần xử lý nước tốt thì chi phí trong nuôi tôm có thể giảm rất lớn.
“Bản thân áp dụng quy trình xử lý nước nhanh, thực tế đã qua cho thấy mang lại hiệu quả rất cao, số hoá chất và các nguồn nguyên liệu bổ sung giảm gần 15%, thậm chí giảm luôn cả chi phí lao động, chi phí điện, nhiên liệu để vận hành các hệ thống trang thiết bị”, ông Đăng chia sẻ.
Giá tôm trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn biến bất lợi cho người nuôi, nhiều cỡ tôm giảm giá ở mức thấp.
Theo dự báo, thị trường xuất khẩu thuỷ sản có nhiều yếu tố thuận lợi và cơ hội phục hồi lại. Do đó, để giúp người nuôi tôm vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi lại sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ông Trung kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương có giải pháp bình ổn giá tôm nguyên liệu và giá thức ăn, vi sinh, hóa chất, thuốc thú y thuỷ sản,... để người dân an tâm và chủ động sản xuất.
Đồng thời, giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ; ban hành cơ chế chính sách đặc thù ưu đãi cho lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản. Có chính sách hỗ trợ hình thành các vùng nguyên liệu trong nước để phục vụ cho sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Rà soát và ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, nhất là về vốn,…
Phó chủ tịch UBND Lê Văn Sử chỉ đạo xây dựng liên kết chuỗi bền vững cho con tôm thâm canh, siêu thâm canh.
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo Sở NN&PTNT tập trung xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm TC,STC để hướng tới sản xuất bền vững và tạo điều kiện để người dân tiếp cận với vốn tín dụng.
Theo đó, mời các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào có thị phần lớn trên địa bàn tỉnh để tham gia liên kết trong chuỗi và mời doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; phối hợp với chính quyền và đoàn thể tiến hành tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm riêng lẻ tham gia vào chuỗi liên kết khi đủ điều kiện. Sau khi đã mời được các thành tham gia chuỗi thì làm việc với các ngân hàng để bàn về hợp đồng liên kết. Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Cà Mau phải là đơn vị tiên phong đi đầu trong tham gia chuỗi sản xuất.
“Ngoài ra, trong chuỗi liên kết này nên hình thành liên hiệp những người làm cùng nghề để thoả thuận, có tiến nói chung để tránh cạnh tranh không lành mạnh cũng như tạo cho chuỗi liên kết trở nên bền vững hơn”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.
Đối với vấn đề vốn tín dụng, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và hoàn thiện các điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, khuyến khích trong tín dụng hiện nay./.
Theo NGUYỄN PHÚ - TRẦM NGHĨ (Báo Cà Mau)