Biểu hiện rõ nét nhất tác động của BÐKH trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là mưa nắng thất thường, thuỷ triều lên xuống không theo chu kỳ. Ðặc biệt, hàng năm vào mùa mưa thường xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng ở các cửa sông, ven biển, làm mất đai rừng phòng hộ; sóng biển trực tiếp uy hiếp, đe doạ vỡ đê biển Tây, bờ biển Ðông; tình trạng sụp lún đất tại một số nơi diễn biến phức tạp... Các sông và kênh trục xói lở diễn ra rất nhanh, như: Bảy Háp, Vàm Ðầm, Hàng Vịnh, Cửa Lớn, Chợ Thủ, Ðầm Chim... Theo con số thống kê, hiện có 44 vị trí sạt lở ven sông ở mức nghiêm trọng, cần có giải pháp xử lý khẩn cấp.
Nước biển dâng cao làm thay đổi tốc độ dòng chảy đã gây nên tình trạng sạt lở bờ sông rất nghiêm trọng tại khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt tại các tuyến sông gần biển. (Ảnh chụp tại xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tháng 6/2022)
Với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhằm mở đường cho phát triển nhanh và bền vững, đến hay toàn tỉnh có trên 4.700 tuyến đường các loại với tổng chiều dài khoảng 15.160 km. Tuy nhiên, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Cà Mau hiện cũng chỉ có 220,04 km đường quốc lộ, chiếm 1,45% tổng chiều dài; đường tỉnh lộ là 337,6 km, chiếm 2,23%; đường huyện 978,65 km, chiếm 6,46%...; còn lại phần lớn là đường nông thôn nằm ven các tuyến kênh, rạch. Trong đó, các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và Ðầm Dơi có tỷ lệ mật độ đường huyện theo quy hoạch thấp nhất. Cùng với đó, nhiều hệ thống cảng, bến tàu, bến cá được xây dựng ven các tuyến sông; từ điều kiện tự nhiên và nét sinh hoạt vùng sông nước mà hình thành nên những bến chợ ven sông...
Triều cường dâng cao vào những tháng cuối năm 2022 gây ngập tuyến đường Ðề Thám, Phường 2, TP Cà Mau, ảnh hưởng lớn đến môi trường, lưu thông, kinh doanh... của người dân.
Theo kịch bản BÐKH cập nhật năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguy cơ ngập đối với tỉnh được dự báo: Khi mực nước biển dâng 100 cm thì Cà Mau sẽ có khoảng 79,62% diện tích bị ngập, trong đó huyện Trần Văn Thời 93,28%, huyện Cái Nước 89,01%, là 2 địa phương có nguy cơ ngập cao nhất. Ngoài ra, theo các khảo sát của ngành chuyên môn, trong các năm vừa qua sụp lún trung bình 1-1,5 cm/năm.
Từ thực tế trên, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Ðề án nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thuỷ ở những vùng thường bị đe doạ bởi nước biển dâng trên địa bàn tỉnh, nhằm thích ứng kịp thời, tăng tính chủ động trước tác động ngày càng nhanh, diễn biến khó lường của BÐKH. Theo đó, đề án liệt kê danh mục các công trình ưu tiên đầu tư, nâng cấp, cải tạo ngay trong giai đoạn trước mắt (từ nay đến năm 2025); các công trình đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do tác động của BÐKH, nước biển dâng; các công trình bảo vệ công trình giao thông chống lại tác động của BÐKH, nước biển dâng theo từng kịch bản biến đổi đến năm 2030 và đến năm 2050. Ước tính tổng vốn đầu tư cho nhiệm vụ ưu tiên này lên đến gần 5.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ nay đến năm 2025 cần trên 2.612 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 nhu cầu trên 2.365 tỷ đồng.
Thực tế đã qua cho thấy, nhiệm vụ ưu tiên liên quan đến ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư khoảng 6.600 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 46,6%, vốn từ các nguồn khác chiếm 33,6%, nguồn ngân sách địa phương chỉ 19,8%. Ngân sách Trung ương được đầu tư tập trung vào các dự án về rừng ngập mặn (bao gồm việc gây tạo bãi bồi), xây dựng kè cấp bách, nâng cấp đê biển, khu neo đậu tránh trú bão, thoát nước và xử lý nước đô thị. Nguồn vốn khác đến từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Khí hậu Xanh và vốn vay ODA của Chính phủ CHLB Ðức tập trung vào các dự án bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn, xây dựng hồ chứa nước ngọt, nâng cấp đô thị và nâng cao năng lực thích ứng cho cộng đồng ven biển.
Theo đó, trong giai đoạn tiếp theo cần có các cơ chế huy động hợp lý, bởi BÐKH đang gây ra tình trạng suy thoái môi trường trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi thế giới phải hành động nhanh chóng, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài. Ðầu tư cho ứng phó và thích ứng BÐKH là để phát triển bền vững, cần phải được chung tay.
Theo kịch bản BÐKH và nước biển dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, đến năm 2030 khu vực ven biển Cà Mau nước biển dâng cao 12 cm, năm 2040 là 17 cm, năm 2050 là 23 cm và đến năm 2100 là 53 cm. Tuy nhiên, diễn biến gần đây cho thấy tốc độ nước biển dâng cao tiến nhanh hơn theo dự báo của kịch bản. Theo đó, việc xây dựng mới các tuyến đường, bên cạnh thiết kế cao độ theo tiêu chuẩn quy định, cần nâng cao độ dự phòng từ 10-20 cm, cũng như sát với thực tế của tình trạng nước biển dâng tại địa phương.
Theo Báo Cà Mau