Cà Mau: Khôi phục vành đai xanh

08/12/2022 - 08:59

Phát triển, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2050 và là giải pháp quan trọng để thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH), giảm nhẹ thiệt hại, rủi ro thiên tai.

Với tác động của sóng, gió và thuỷ triều… ngày một bất thường lên hệ thống đê biển vẫn chưa được cứng hoá toàn tuyến (đê biển Tây một số đoạn vẫn là đê đất), thậm chí phía biển Ðông chưa hình thành tuyến đê biển, nên sạt lở luôn là vấn đề thời sự nóng trên địa bàn tỉnh trong hơn 10 năm qua. Dù đã rất nỗ lực, nhưng với nguồn lực có hạn, việc triển khai giải pháp công trình gặp nhiều khó khăn, do đó, việc khôi phục và phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, cửa sông đang được ưu tiên hàng đầu để hạn chế tình trạng sạt lở.

Nhiều khu vực sụp lún trên đê biển Tây đã được triển khai các giải pháp khắc phục.

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng tập trung của tỉnh có trên 94.381 ha, với tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26%. Ðây là kết quả được xây dựng từ nhiều giải pháp đồng bộ từ công tác quản lý cho đến trồng mới. Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết, thời gian qua số vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Tình hình phá rừng ở khu vực rừng ngập mặn để mở rộng mặt nước nuôi thuỷ sản dù còn xảy ra nhưng chỉ là nhỏ lẻ. Công tác bảo vệ và khôi phục rừng tự nhiên, rừng trồng, nhất là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển đều được thực hiện tốt.

Hiện nay, số lượng người dân trên địa bàn tỉnh sinh sống trong rừng, ven rừng và dựa vào nguồn lợi từ rừng khá lớn. Ðể đảm bảo hài hoà giữa việc bảo vệ, phát triển rừng và lợi ích của người dân trong lâm phần, ngành lâm nghiệp tỉnh đang triển khai các giải pháp theo phương án quản lý rừng bền vững. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có thể định đoạt được tài sản rừng của mình theo phương án quản lý rừng bền vững, từ đó ý thức của người dân trong trồng, bảo vệ và khai thác rừng không ngừng được nâng cao.

Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển có ý nghĩa vô cùng to lớn trong ứng phó với BÐKH và nước biển dâng. Ðây là vành đai tự nhiên bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân, nhất là 6 huyện ven biển. Ông Hải cho biết thêm, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, việc phối hợp giữa các lực lượng và chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng luôn được quan tâm triển khai thực hiện hàng năm. Từ đó, những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng từng bước được tháo gỡ và nhiều cách làm hay, giải pháp hiệu quả được triển khai, nhân rộng.

Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, nhiều cấp với cộng đồng trách nhiệm cao đã kịp thời xử lý các sự cố xảy ra liên quan đến hoạt động quản lý và bảo vệ rừng. Một số vụ cháy rừng kịp thời được dập tắt, hoạt động phá rừng, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã… được phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời.

Thời gian qua, từ nguồn ngân sách của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh, các nguồn tài trợ từ các tổ chức phi Chính phủ khác như: WWF Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên - Gaia, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững - SRD…, hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ ven biển đã được khôi phục. Chỉ tính riêng trong năm 2022, đến thời điểm này toàn tỉnh đã trồng mới rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển được hơn 100 ha. Triển khai thực hiện khoanh nuôi tái sinh tự nhiên khu vực bãi bồi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau 100 ha.

Thực hiện kế hoạch hành động thích ứng với BÐKH từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh cần nguồn ngân sách khoảng 19.000 tỷ đồng để triển khai khoảng 55 công trình, dự án lớn nhỏ nhằm nâng cao năng lực thích ứng với BÐKH. Trong đó, công tác khôi phục, quản lý phát triển rừng được xem là giải pháp quan trọng.

Ông Hải thông tin, để triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất, ngành đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, đặc biệt trong mùa khô để không xảy ra cháy rừng. Xây dựng kế hoạch trồng rừng chắn sóng, trồng cây phân tán, đa dạng hoá cây rừng, cũng như giải pháp kỹ thuật trong bảo vệ và chăm sóc rừng. Ðặc biệt, triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hạn chế rủi ro thiên tai do tác động của BÐKH và đa dạng sinh kế ven biển từ rừng.

Trong công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phương châm chủ đạo của tỉnh là chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng với tác động của BÐKH và các điều kiện tự nhiên khác. Theo đó, trong tất cả các hoạt động thời gian qua, tỉnh đều ưu tiên bố trí vốn cho công tác bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; thực hiện tốt các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất diện tích rừng bị mất từ các nguyên nhân.

CẢNH BÁO RỦI RO THIÊN TAI DO GIÓ MẠNH TRÊN BIỂN

UBND tỉnh vừa có Công văn hoả tốc số 8264 chủ động theo dõi ứng phó thiên tai. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình, các bản tin dự báo, để thông tin kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các phương tiện khi ra vào cửa biển; chủ động phòng tránh ngập úng, thất thoát thuỷ sản nuôi, thiệt hại cây trồng; phòng tránh sạt lở đất ven sông, ven biển, đê, đảm bảo an toàn người và tài sản. Ðặc biệt, tập trung hướng dẫn người dân thu hoạch lúa - tôm, nhằm giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo dự báo, trong những ngày tới khu vực vùng biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông rải rác; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8. Vùng biển từ Bạc Liêu đến Cà Mau gió Ðông Bắc cấp 5, cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3,5 m, biển động. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển là cấp 2. Hoàn lưu áp thấp gây mưa cho khu vực tỉnh, lượng mưa phổ biến từ 20-50 mm/24h, có nơi trên 60 mm/24h. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn là cấp 1.

Theo Báo Cà Mau