Cà Mau: Luồng gió mới từ biển

28/12/2021 - 15:48

Là địa phương sở hữu 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển hơn 98 km, huyện Ngọc Hiển có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế rừng, biển như khai thác, nuôi thuỷ sản, cảng biển, du lịch sinh thái…, đặc biệt là năng lượng điện gió ven biển.

Tận dụng lợi thế, tiềm năng

Vùng ven biển Cà Mau nói chung, huyện Ngọc Hiển nói riêng có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, không chỉ về quốc phòng - an ninh, mà còn là tiềm năng về kinh tế đầy triển vọng.

Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, thông tin, những năm qua, huyện Ngọc Hiển đã và đang phát huy lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên từ rừng, biển để phát triển kinh tế. Ngoài thế mạnh khai thác biển, với lợi thế có ngư trường rộng lớn, huyện còn có trên 23.000 ha mặt nước nuôi thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường rất hiệu quả, đặc biệt là nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng và các loài thuỷ sản khác dưới tán rừng...

Bên cạnh đó, huyện Ngọc Hiển còn là trung tâm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh và vùng ÐBSCL, điểm nhấn là Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, điểm du lịch Mũi Cà Mau thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch mỗi năm. Từ đó, địa phương có hướng tập trung ưu tiên phát triển kinh tế trọng điểm về du lịch, đây là hướng phát triển ngành công nghiệp không khói quan trọng cho huyện nhà thời gian tới.

Không những thế, vùng đất Ngọc Hiển anh hùng, giàu truyền thống cách mạng còn có tiềm năng kinh tế rất lớn về biển đảo, trong đó cụm đảo Hòn Khoai đã được Chính phủ, tỉnh quan tâm mời gọi đầu tư xây dựng cảng nước sâu để giao thương hàng hoá khu vực và quốc tế...

Hướng đến nguồn năng lượng xanh

Xu hướng phát triển năng lượng xanh vùng ven biển Cà Mau nói chung, điện gió huyện Ngọc Hiển nói riêng là giải pháp đột phá, góp phần cho địa phương cất cánh, dần trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Cà Mau.

Cụm Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1, giai đoạn 1 đã hoàn thành 6 turbine, mang lại dòng điện xanh đầu tiên từ biển trên địa bàn Ngọc Hiển, hoà vào dòng điện quốc gia.

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, một trong những nội dung quan trọng của ngành kinh tế biển là năng lượng biển mới, trong đó có điện gió ngoài khơi. Vì vậy, thời gian qua, Cà Mau đã mời gọi nhiều nhà đầu tư tiếp cận, khảo sát và Dự án Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1 do Công ty Cổ phần Ðầu tư Thuỷ điện Sông Lam làm chủ đầu tư (tổng công suất 100 MW, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 1.254 tỷ đồng) và Dự án Nhà máy Ðiện gió Viên An do Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An làm chủ đầu tư (có công suất 50 MW, vốn đầu tư trên 2.411 tỷ đồng) được xây dựng đầu tiên trên vùng biển Ngọc Hiển, khởi đầu triển vọng cho cánh đồng điện gió nơi miền Ðất Mũi cất cánh.

Theo đánh giá của ông Võ Phi Công, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư Thuỷ điện Sông Lam, đơn vị đầu tư Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1, vùng ven biển Ngọc Hiển có tiềm năng điện gió rất lớn, với độ sâu từ 0-60 m, tốc độ gió trung bình tại độ cao 100 m đạt hơn 7-10 m/s.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Ngọc Hiển đã có nhiều dự án điện gió như Ðiện gió Tân Ân 1, Khai Long… trong đó, Dự án Ðiện gió Tân Ân 1 quy mô lắp đặt 24 turbine gió trên tổng diện tích xây dựng 442,86 ha, tổng công suất 100 MW. Dự án này với các thành phần: Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1, giai đoạn 1 (công suất 25 MW), giai đoạn 2 (công suất 45 MW) và giai đoạn 3 (công suất 30 MW). Hiện tại, đã có 6 turbine gió giai đoạn 1 hoạt động tốt và mang lại dòng điện xanh đầu tiên từ biển trên địa bàn Ngọc Hiển, hoà vào dòng điện quốc gia.

“Với công suất 100 MW của Dự án Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1 và nhiều MW điện của các dự án điện gió khác được khởi công xây dựng trong thời gian tới sẽ đóng góp nguồn ngân sách lớn cho địa phương, cũng như góp phần cân bằng nguồn điện cho cả vùng ÐBSCL, đồng thời bảo vệ môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”, ông Võ Phi Công nhận định.

Trạm biến áp Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1 trong ngày đón dòng điện đầu tiên.

Hướng đến phát triển nguồn năng lượng xanh từ biển, ông Trần Hoàng Lạc nhấn mạnh: “Luồng gió mới từ việc đầu tư dự án điện gió trên địa bàn huyện Ngọc Hiển rất phù hợp với xu thế phát triển dòng điện xanh của Việt Nam cũng như của thế giới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Cụm Nhà máy Ðiện gió Tân Ân 1, giai đoạn 1 đã đưa dòng điện từ ngoài khơi hoà vào lưới điện quốc gia và Nhà máy Ðiện gió Viên An đang thi công là bước ngoặt quan trọng để Ngọc Hiển kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Mặt khác, các khu năng lượng điện gió vùng ven biển của huyện Ngọc Hiển sẽ là những điểm tham quan, du lịch rất hấp dẫn; là cơ hội cho địa phương biến lợi thế tiềm năng thành đột phá đi đầu, trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi của tỉnh. Luồng gió mới từ cánh đồng năng lượng xanh ngoài biển khơi thổi vào đất liền sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển phát triển, tạo ra việc làm cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương hướng tới bền vững. Ðây là thời cơ để huyện Ngọc Hiển tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn vào vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc”.

Theo Báo Cà Mau