Những nhân công ở “chợ gạch” sống với nhau rất nghĩa tình, hỗ trợ nhau làm việc.
Hằng ngày, ghe chở gạch từ các tỉnh vùng trên theo kênh Quản lộ Phụng Hiệp tập trung tại “chợ gạch” (phường 5, TP Cà Mau) lên gạch. Bất kể nắng mưa, vào giờ làm việc luôn có hàng chục người lao động, phụ nữ thì xếp gạch, nam giới thì đảm nhận việc vận chuyển nặng nhọc. Các ghe gạch cỡ lớn khẳm nên không thể đậu sát bờ, chủ ghe phải dùng những miếng gỗ chuyên dụng để kết nối với bờ làm đường đi. Những người làm thuê phải xuống tự xếp gạch và vận chuyển đoạn đường khoảng 30-40m đến xe tải. Sau đó, họ xếp gạch lên xe và mỗi thiên gạch được trả công 100.000 đồng.
Anh Ca Văn Tý, người gánh gạch tại “chợ gạch”, chia sẻ: “Tôi phải gánh gạch khoảng 70-80kg từ dưới lòng ghe lên. Ghe khá cao, gánh lên sẽ nặng hơn khi đi trên đường bằng. Thêm vào đó phải đi trên “cầu” gỗ, ai quen đi mới được. Lúc mới vào nghề, tôi sợ không dám đi, nhưng gánh riết quen rồi. Giờ tôi làm suốt, thu nhập cũng đỡ, nuôi sống được gia đình”.
Trung bình, mỗi nhân công có thể gánh khoảng 5-6 thiên gạch mỗi ngày. Những người có sức khỏe tốt thì gánh được nhiều hơn, tuy nhiên không ai làm công việc vận chuyển gạch riêng lẻ mà họ tập trung thành đội, nhóm để cùng làm. Sau khi “lên” hết ghe gạch, họ sẽ nhận tiền công và chia nhau. Điều đáng quý là ai cũng tích cực, để nhanh hoàn thành công việc. Gánh gạch tuy nặng nhọc nhưng đổi lại có thu nhập khá cao, riêng phụ nữ thường chỉ nhận được thu nhập bằng khoảng 50% của nam giới.
Ông Trương Thanh Mộng ở Phường 6, TP Cà Mau, có “thâm niên” gần 20 năm gánh gạch, cho biết: “Tôi làm nghề này khi còn là thanh niên. Mới bắt đầu tôi đâu có biết gì, thấy anh em làm thì làm theo. Những ngày đầu chưa quen khi đi trên tấm ván lên bờ nó “tưng tưng”, nghiêng ngả, chưa quen nên té luôn. Làm lâu quen dần, giờ tôi gánh vài chục cục gạch chạy lên bờ còn được. Tuy cực nhọc nhưng hằng ngày chia nhau mỗi người cũng kiếm được trên 500.000 đồng. Anh em nhân công tại đây rất đoàn kết, có việc là chia ra làm để cùng kiếm sống. Mọi người còn tiếp qua, tiếp lại để xong sớm cùng về”.
Theo những nhân công tại “chợ gạch”, việc vận chuyển gạch thường bắt đầu từ sáng sớm. Họ làm đến khi nắng trưa gắt sẽ nghỉ ngơi để chiều tiếp tục công việc. Do đặc thù công việc nặng nhọc, lãnh công theo khối lượng nên nhân công tại “chợ gạch” có thể chủ động nghỉ ngơi. Họ thường kết thúc ngày làm việc sớm để đảm bảo sức khỏe. Riêng các ghe vận chuyển gạch chỉ số ít của người địa phương, còn đa số chở thuê từ các tỉnh khác về. Trung bình khoảng 3-4 ngày, họ vận chuyển gạch từ An Giang, Vĩnh Long về Cà Mau 1 lần và cũng có thu nhập khá ổn định từ nghề vận chuyển.
Ông Trịnh Văn Bảy ở xã Nhơn Phú, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Ngoài chở về “chợ gạch” này, tôi thường chở gạch đi các huyện Đầm Dơi, Năm Căn… Làm nghề này ai thuê mình chở đi đâu thì mình đi đó. Trước đây nghề này sống khỏe, nhưng bây giờ khá nhiều người tham gia vận chuyển, cạnh tranh giá nên lời không nhiều, nhưng vẫn đỡ hơn đi làm thuê làm mướn”.
Dù ngày nắng hay mưa, “chợ gạch” ở Phường 5 vẫn luôn nhộn nhịp. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ luôn chăm chỉ làm việc và hỗ trợ nhau kiếm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.
Theo HIẾU NGHĨA (Báo Cần Thơ)