Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

02/04/2025 - 10:04

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đang chậm so với kế hoạch. Trước tình hình này, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, coi giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với địa phương về công tác giải phóng mặt bằng.

Nhiều địa phương chậm tiến độ

Năm 2025, tổng vốn đầu tư công của 3 bộ, cơ quan Trung ương (Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và 13 địa phương thuộc Tổ công tác số 5 (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) được Thủ tướng Chính phủ giao là 55.641 tỉ đồng. Trong đó vốn trong nước là 43.308 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 2.917 tỉ đồng. Đến nay, tỷ lệ giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương trên đạt 7,74% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình cả nước là 7,32%. Tuy nhiên, vẫn có 2 bộ, cơ quan và 6 địa phương có mức giải ngân thấp, dưới mức trung bình cả nước.

Tại Hậu Giang, UBND tỉnh cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04-12-2024 là 6.604,052 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 3.125,120 tỉ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 1.813,932 tỉ đồng; nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 là 1.665 tỉ đồng. Tỉnh đã phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 là 7.122,052 tỉ đồng; cao hơn 518 tỉ đồng so với số vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025 đến nay 5.999,354/7.122,052 tỉ đồng, đạt 84,23% kế hoạch, số vốn còn lại chưa phân bổ 1.122,698 tỉ đồng. Trong đó, vốn chưa phân bổ chi tiết 648,949 tỉ đồng, dự án còn lại chưa phân bổ chi tiết 473,749 tỉ đồng. Hiện nay, có 19 dự án chưa trình UBND tỉnh bố trí kế hoạch năm 2025, với số vốn 473,749 tỉ đồng.

Tổng khối lượng thực hiện đến ngày 15-3-2025 được 535,885/7.122,052 tỉ đồng, đạt 7,52% kế hoạch, thấp hơn 7,63% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 15,15% kế hoạch). Giá trị giải ngân được 285,07/7.122,052 tỉ đồng, đạt 4% kế hoạch, thấp hơn 11,12% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 15,12% kế hoạch).

UBND tỉnh đánh giá, tỷ lệ giải ngân còn thấp do một số nguyên nhân chủ yếu như: công tác thẩm định, phê duyệt các dự án khởi công mới còn chậm; một số chủ đầu tư chưa quan tâm sâu sát trong công tác chỉ đạo, công tác hoàn thành thủ tục còn chậm, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa sẵn sàng để triển khai. Công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn… Một số dự án chuyển tiếp đã đầy đủ thủ tục, đang triển khai nhưng công tác thi công, nghiệm thu, thanh toán chưa được đẩy nhanh tiến độ.

Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Đến năm 2025, Hậu Giang chủ yếu là những dự án mới chứ không có nhiều dự án chuyển tiếp từ 2024 sang 2025. Do vậy, tỷ lệ tháng 1 tập trung vào giải quyết dứt điểm của năm 2024. Hiện nay, các dự án thực hiện đúng theo kế hoạch đã đề ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 8.957 tỉ đồng. Đến hết ngày 15-3-2025, tỉnh giải ngân mới đạt 4,1% kế hoạch. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án tại địa phương đã được tỉnh nhận diện và đang tiếp tục nỗ lực tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

“Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư có tiến độ cho từng dự án, phân công cán bộ theo dõi từng dự án lớn. UBND tỉnh củng cố, kiện toàn tổ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều hoạt động quyết liệt để thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ. Cán bộ trên địa bàn tỉnh không xảy ra biểu hiện thiếu trách nhiệm, sợ sai làm ảnh hưởng đến công tác đầu tư xây dựng”, ông Lâm Hoàng Nghiệp chia sẻ.

Còn tại Bến Tre, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, hiện tại tỷ lệ giải ngân của tỉnh ước đạt 9,45%. Trong tháng 1-2025, tỉnh tập trung giải ngân nguồn vốn của các dự án năm 2024 kể cả các dự án kéo dài nên các nguồn vốn mới được phân bổ năm 2025 chưa sử dụng tới. Đối với các dự án khởi công mới, trong quý I/2025 tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu... nên tiến độ giải ngân vốn các tháng đầu năm còn thấp. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng cùng với giá cả tăng cao của nguyên, nhiên liệu đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Về giải pháp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết, tỉnh đã thành lập các Tổ công tác do Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025. Tỉnh sẽ tiếp tục đôn đốc, tăng tỷ lệ giải ngân ngay trong quý II/2025.

Mới đây, tại cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, địa phương của Tổ số 5 chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số bộ, địa phương chậm giải ngân là do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu san lấp, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật, phối hợp chưa tốt, dự án mới cần thời gian hoàn tất thủ tục, tạm dừng xây trụ sở huyện, xã…

Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, tạo đà cho tăng trưởng 2 con số giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, Chính phủ đã thành lập 7 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Để góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm (2021-2025), tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, niềm tin cho tăng trưởng bình quân 2 con số, giai đoạn 2026-2030, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 2025. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của năm 2025. Nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực thi, chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm. Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án và nâng cao chất lượng được chọn tư vấn dự án. 

“Xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng quý, từng tháng cho từng dự án và phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ. Các bộ, cơ quan, địa phương cần chủ động rà soát, đánh giá khả năng phân bổ, tình hình thực hiện và giải ngân của từng dự án, kịp thời có phương án điều chuyển nội bộ vốn cho các dự án có nhu cầu bổ sung, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. Tập trung xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc phát sinh, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA; chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng cho các dự án”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Tổ chức giải pháp thi công cho phù hợp. Đôn đốc các nhà thầu hoàn thiện hồ sơ và đẩy mạnh công tác thanh quyết toán vốn, làm đến đâu, thanh toán, quyết toán đến đó để đảm bảo tốc độ giải ngân.

Chủ động rà soát, báo cáo cụ thể vấn đề vướng mắc, khó khăn, gắn với từng dự án. Cần xác định rõ vướng mắc tại khâu nào, đề xuất chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và quyết định đầu tư trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu hay quyết toán, đề xuất các giải pháp theo thẩm quyền. Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, truyền thông chính sách nhằm tạo đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

“Đối với số vốn đến ngày 15-3-2025 chưa phân bổ, các bộ, cơ quan, địa phương báo cáo, đề xuất phương án xử lý, gửi Bộ Tài chính tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, kịp thời xử lý theo thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền để giúp các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Theo Báo Hậu Giang