Cà Mau: Ơi cuộc đời, như ngàn ý thơ...

16/12/2021 - 10:04

Chạy đi, chạy đi, hai ba chạy...

Đám con nít cắm đầu chạy, bé Huy ú nu mồ hôi nhễ nhại cũng hí hửng chạy tuột quần trong những tràng cười của người lớn đứng xung quanh. Chiều, người mẹ trẻ chăm chút tắm rồi đút từng muỗng cơm cho con. Tội nghiệp thằng nhỏ, cha mẹ là nghệ sĩ nên đi miết, năm thuở mười thì mới có dịp cả gia đình về nội chơi như vầy. “Ăn miếng nữa đi con, cho mẹ hun một miếng rồi đi ngủ nghen!”. Thằng nhỏ bi bô tiếng “dạ” ngây thơ. Khuya trở giấc, trán con nóng ran, cả mình mẩy nó cũng nóng nữa. Ôm con chạy lại đập cửa nhà bác sĩ gần đó, “Bác sĩ ơi con tui nóng quá”.  “Cấp này có dịch sốt bại liệt, tui không dám chích đâu. Bây giờ cho nó uống hạ nhiệt đi”...

5 giờ, tàu chạy rền dưới sông, đứa nhỏ thức dậy, một bên chân đã nhũng nhẳng từ khi nào. “Trời ơi! con bị sao vậy con...”, tức tốc nhờ người chạy tìm cho chồng hay (khi đó đang đi ghe cây để kiếm thêm thu nhập), khi chồng vừa tới phòng cấp cứu bệnh viện thị xã thì con cũng sắp liệt hô hấp... Trận bệnh đó, may thay bé Huy qua khỏi, nhưng một bên chân bị liệt vĩnh viễn. Năm đó Huy vừa tròn 3 tuổi...

Trang truyện tranh thả mơ ước bay cao

... Bé Huy năm nào giờ ở tuổi ba mươi hai, ánh nhìn bàng bạc xa xăm. Con tạo xoay vần, đâu nghĩ một ngày trong mắt mọi người mình lại thành “nghệ sĩ”. Ngẫm nghĩ nghề của cha mẹ đẹp quá, hồi đó ngồi dưới hàng ghế khán giả nhìn cha mẹ diễn rồi cười khoái chí, bây giờ lại thành tằm vương tơ theo một cách khác, thôi thì chỉ biết cố gắng thật nhiều để có thể góp sợi tơ đời, mình tàn nhưng có phế bao giờ đâu. Hỏi rằng: “Anh có bao giờ thấy mặc cảm không?” - Quốc Huy cười hiền, nụ cười y hệt ông hề Quốc Tín: “Chắc tại cái hồi nhỏ xa lắc xa lơ nên lâu dần quen rồi, thấy cũng bình thường, ai chọc cũng cười khà khà...”.

Tuổi thơ đi qua, tới thiếu niên rồi thanh niên chỉ quẩn quanh đi học, xem tivi, mướn truyện tranh đọc, lớn lên xíu nữa thì làm quen với máy tính. Tủ truyện tranh gần trường mỗi ngày đi học đều ghé mướn, đọc nhừ; máy tính cũng khám phá hết, riết rồi thạo công nghệ luôn. Đêm về nằm ngủ thả những ước mơ xa tít: “Sau này mình sẽ là một họa sĩ vẽ truyện tranh thật đẹp!”. Giấc mơ xa gần đôi lúc chới với như cái bước hụt chân hằng ngày vậy. “Đi đứng khó khăn, sức khỏe không tốt, thôi thì mình học ngành Công nghệ thông tin, ra trường về phụ cha mẹ những công việc lặt vặt ở đoàn hát cũng được...”, Huy luôn thầm nghĩ vậy.

Mười bảy tuổi, một lần nhìn cha vẽ cảnh trí sân khấu bằng tay vất vả, Huy ngỏ ý xin được phụ cha vẽ bằng máy, in vải cho rút ngắn công đoạn mà hiệu quả sân khấu lại cao hơn. Lần đầu, lần thứ hai, thứ ba... ai cũng khen cảnh trí đẹp, đường nét có duyên, vậy là Huy bén nghề với sân khấu từ dạo đó.

Mười năm trước, ước mơ trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh bừng cháy mãnh liệt. Nét bút đầu tiên đặt lên tờ giấy trắng. Không thầy hướng dẫn, mọi năng khiếu thiên bẩm trải ra sau một quãng dài tự lượm lặt tích góp bút pháp, cấu tứ từ những “người bạn” truyện tranh. Vẽ chì, đồ màu rồi đưa lên máy scan, mỗi trang A4 truyện tranh hoàn thiện mất 2 ngày. Một mình tìm tòi, sáng tạo, đôi lúc cũng nản lắm, nhưng nghĩ lại: “Có con đường nào không đi mà tới đích đâu”, “Thôi, ráng nghen!”, “Ừa ráng”... Mải miết trong 5 năm dài, tác phẩm truyện tranh “Tản Viên Sơn Thánh” hoàn thiện. Huy lần trang cuối các quyển truyện tranh tự tìm địa chỉ nhà xuất bản, lúi húi gửi trong niềm hi vọng, gửi rồi lại hi vọng... tới chừng đếm lại số nhà xuất bản mình gửi bản thảo lên đến con số... hơn 60.

Ngày thấp thỏm, đêm đợi chờ, gần hai tháng sau, bất ngờ Huy nhận được liên lạc của Nhà sách Hương Giang qua cả email và điện thoại. Cầm tờ giấy hợp đồng, ký tên vào, sung sướng quá đỗi. Ngày cầm trên tay “đứa con tinh thần” - quyển truyện tranh dày 200 trang lòng mừng khôn xiết, cha mẹ cũng vui. Lần đó Huy được một phóng viên báo địa phương viết gương, cha cầm tờ báo mà rớt nước mắt, ông chụp cẩn thận cho thật nét để đăng lên Zalo bày tỏ niềm tự hào. Còn mẹ, nghệ sĩ Ngọc Xanh cũng lén giấu giọt nước mắt mừng khi nhìn con cầm chưa tới 10 triệu đồng tiền nhuận bút mà hớn hở. Thấy mẹ với cha mừng, Huy càng nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn.

Hai chiếc máy ảnh cũ là hành trang tác nghiệp của Quốc Huy, cùng chiếc xe máy đặc biệt đã theo bước chân đam mê của anh trên khắp nẻo đường.

Nhiều người thắc mắc không biết tại sao Huy chọn đề tài lạ khi sáng tác truyện tranh, Huy từ tốn, đơn giản chỉ vì anh yêu quý kho tàng văn học dân gian, và hơn hết hình tượng Tứ bất tử trong truyền thuyết của dân tộc Việt luôn thiêng liêng trong trái tim anh. Thôi thì đầu tiên chọn Sơn Tinh, rồi những tập truyện sau sẽ là những nhân vật tiếp nối.

“Tản Viên Sơn Thánh” vẫn bám sát nội dung của truyền thuyết cũ, tuy nhiên qua ngòi bút, nét vẽ của Quốc Huy đã góp vào những cái nhìn mới rất thú vị, lý giải những chi tiết thiếu logic khiến nó trở nên hợp lý, hợp tình hơn. Chẳng hạn như “Tại sao vua kén rể cho công chúa mà chỉ có mỗi Sơn Tinh, Thủy Tinh đến ứng thí?... Vậy là trong truyện tranh, anh thêm thắt thành khi vua kén rể có rất nhiều chàng trai đến ứng thí, nhưng vì kém tài nên chỉ còn lại hai ứng cử viên mạnh mà thôi; rồi Sơn Tinh, Thủy Tinh cũng được tìm hiểu cặn kẽ để có tên hẳn hoi là Nguyễn Tuấn và Trịnh Khôi; hoặc chi tiết “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” tưởng chừng như phi lý cũng được sửa lại thành có lý, thuyết phục người đọc nhưng vẫn giữ đúng cốt truyện. Vậy mới lạ chớ!

Sau 1.500 quyển “Tản Viên Sơn Thánh” với bút danh Olonghuy được xuất bản, Huy bắt tay vào vẽ tiếp “Phù Đổng Thiên Vương”. Cũng vẫn tâm thế sáng tạo hừng hực y chang năm cũ, những trang truyện tranh nối nhau ra đời. Nhưng đến khi được hơn nửa chặng đường thì phải đành gián đoạn vì một “phi vụ” khác, đặc biệt hơn...

Tằm vương những sợi tơ vàng

Cứ tưởng khi bắt tay vào vẽ truyện tranh thì Quốc Huy chỉ toàn tâm toàn ý với vai trò họa sĩ. Ai có dè suốt khoảng thời gian đó, hễ sân khấu Đoàn Cải lương Hương Tràm cần cảnh trí thì Huy vẽ, thiết kế cảnh trí; cần người phụ thu âm thì quay sang thu âm; cần người chụp hình lưu giữ khoảnh khắc lúc tập luyện hay biểu diễn thì cũng có nhiếp ảnh không chuyên. Vượt lên khó khăn do tật nguyền, tay vẽ, tay thu âm, tay chụp ảnh... tất tần tật Huy đều học tự học lóm trên mạng hoặc sách vở, việc nối việc lắm khi mệt nhoài nhưng đổi lại thấy mình có ích, vui vì được đóng góp cho Đoàn cải lương Hương Tràm.

Vậy rồi hí hoáy vẽ được phân nửa chặng quyển truyện tranh thứ hai cũng là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, sân khấu không thể sáng đèn được. Bữa nọ tự nhiên “ông bầu gánh” Quốc Tín thủ thỉ: “Dịch vầy đoàn không biểu diễn được, chắc phải biểu diễn trực tuyến thôi”.

“Nhưng mà không có ai hết sao con làm nổi. Chỉ có hai người quay, dựng, livestream... không làm nổi đâu”

“Thì giờ làm đại đi!”

“Làm đại nhưng có sai sót gì cha chịu trách nhiệm ên nghen!”

“Ừa. Làm đi...”

Cuộc đối đáp của hai cha con gọn lỏn, ban đầu do dự lắm vì kỹ thuật quay dựng không có, trong tay chỉ có hai máy ảnh và hai chân máy cũ. Nhưng thấy cha đôn đốc quá, Huy cũng xiêu lòng. Sẵn hai máy ảnh, Huy kết hợp với ca sĩ trẻ Hoàng Công lên ý tưởng, một lần nữa hỏi “thầy” Google về kỹ thuật quay dựng. Những sản phẩm đầu tiên chủ yếu ghi hình các bài vọng cổ mang nội dung phòng, chống dịch Covid-19, mặc dù còn mắc nhiều lỗi nhưng khi post lên trang Fanpage của Đoàn Cải lương Hương Tràm lại nhận được nhiều sự đón nhận, phản hồi tích cực của khán giả. Từ bước đệm đẹp ban đầu, ông bầu Quốc Tín cùng ban lãnh đạo đoàn mạnh dạn chuyển hướng hoạt động biểu diễn trực tuyến. Những chương trình nghệ thuật mang nội dung phòng, chống dịch nối tiếp ra đời đã tạo được một ấn tượng mạnh mẽ trong làng văn nghệ nước nhà, và tất nhiên Quốc Huy nghiễm nhiên trở thành một camera đắc lực. Ngày quay, đêm dựng. Sản phẩm ra đều đều, chất lượng sản phẩm nghệ thuật được nâng lên rõ rệt, từ ý tứ đặt để góc quay, cách dựng cho đến phối màu... khiến khán giả lẫn người trong nghề đôi lúc cũng phải giật mình khi nhìn lại.

Vậy rồi, đầu tháng 9 năm nay, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức cuộc thi các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn Cải lương Hương Tràm gửi nhiều sản phẩm đã quay hình, biểu diễn trực tuyến tham dự. Kết quả mỹ mãn khi Cà Mau là đơn vị đạt 5 giải A, 2 giải B, một giải Đạo diễn xuất sắc, đặc biệt toàn quốc chỉ có duy nhất một giải Quay phim xuất sắc dành cho tay quay Quốc Huy-Sơ Sài Studio. Tính Huy khiêm tốn, trên mỗi sản phẩm không hề để tên mình vào vị trí “Quay và dựng phim”, mà thường cuối video chỉ có vỏn vẹn dòng chữ “Sơ Sài Studio”, chính vì thế khoảnh khắc nhận được thông tin cá nhân đạt thành tích danh giá của Trung ương hội, Huy nghe lòng gõ nhiều nhịp song lang hạnh phúc. Từ lúc nào thấy thương cái nghề sân khấu của cha mẹ quá chừng...

“Tới bây giờ nhìn lại, cái được nhất của mình là có thể đóng góp một chút sức nhỏ cho nghệ thuật. Thấy mình vẫn còn xài được, vẫn có ích cho xã hội, thấy đời vẫn còn đẹp lắm...”. Thoáng chút ngập ngừng khi được hỏi về chuyện vợ con, anh tiếp lời: “Chưa dám nghĩ tới chuyện đó đâu, bây giờ người ta chịu mình, nhưng lỡ về mình không tròn trách nhiệm thì khổ người ta lắm...”.

Từng cơn gió chướng lất phất thổi mát lời tâm sự hiền khô của chàng trai trẻ Quốc Huy. Đoạn, câu chuyện tạm gác lại khi tối đã giòn, lối về chân bước thấp bước cao để lại trong lòng tôi nhiều xốn xang. Cũng bước chân này đã bao lần chới với những giấc mơ xa gần. Cũng bước chân này đã bao lần vấp té trong lúc chăm chú chụp ảnh hay quay phim. Cũng bước chân này, nụ cười vẫn tươi roi rói khi trong nhịp trẻ chất đầy những đam mê...

Theo HOÀNG PHÚC (Báo Cà Mau)