Cà Mau: Phát huy thế mạnh kinh tế tập thể

21/05/2024 - 10:13

Nhằm liên kết, nâng cao giá trị đầu ra, xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường, xã Tân Trung (huyện Ðầm Dơi) thành lập Hợp tác xã (HTX) nuôi chồn hương, hoạt động hiệu quả.

A A

Những năm qua, nghề nuôi chồn được nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Trung thực hiện, đạt kết quả khả quan. Với mong muốn cung ứng sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu trên thị trường, năm nay, xã Tân Trung tập hợp các hộ nuôi chồn hương ở địa phương, thành lập HTX nuôi chồn hương với 28 thành viên.

Theo đó, HTX là nơi để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, con giống, từ đó tăng chất lượng cũng như số lượng chồn. Giám đốc HTX, anh Nguyễn Hoàng Nam (ấp Thành Vọng) cho biết: “Nếu như trước đây sản xuất riêng lẻ, nhiều hộ nuôi không có được nguồn giống chất lượng, bị thương lái ép giá, lợi nhuận thấp, thì nay vấn đề được giải quyết, khi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, HTX hoạt động tốt khi đảm bảo các yếu tố chung, nhiều hộ tăng thu nhập gấp hai, gấp ba so với trước”.

Riêng anh Nam nuôi chồn hương từ năm 2019, khi đó, trong một lần đến thăm mô hình nuôi chồn hương ở huyện Ngọc Hiển, anh mua một cặp chồn bố mẹ về nuôi thử. Chồn sau 12 tháng nuôi đã bắt đầu sinh sản, lần đầu tiên, chồn đẻ được 4 con. Thấy vậy, anh Nam mở rộng chuồng, tăng diện tích, số lượng con giống.

Nuôi chồn ít tốn công chăm sóc, tuy nhiên phải vệ sinh chuồng trại và nguồn thức ăn rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển và sinh sản của chồn.

Anh Nguyễn Hoàng Nam có 5 năm kinh nghiệm nuôi chồn.

Anh Nam chia sẻ: “Thức ăn chính của chồn là cá và chuối, cá phải là cá tươi, làm sạch trước khi cho ăn, vì có như vậy mới đảm bảo đường ruột của chồn. Mỗi ngày cho ăn 2 lần, sáng và chiều. Nguồn thức ăn cho chồn, tôi tận dụng cá phi trong vuông và chuối trồng ở đất vườn nên hạn chế chi phí, từ đó tăng lợi nhuận”.

Anh Nam chủ yếu bán chồn giống, đó là giống chồn cam cao lớn, dễ tiêu thụ. Mỗi năm anh Nam xuất bán 3 lứa chồn giống, mỗi cặp chồn giống có giá 6-8 triệu đồng (tuỳ kích cỡ), thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Khác với anh Nam, ông Trần Bá Vui, ấp Trung Can, nuôi chồn thương phẩm. Năm 2020, ông Vui đầu tư hơn 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua con giống.

Ông Trần Bá Vui với trang trại chồn với số lượng trên dưới 100 con thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

"Khi mới nuôi, tôi cũng gặp khó khăn trong khâu chăm sóc, phòng bệnh. Nhưng khi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật từ người nuôi trước cũng như trên các trang mạng, tôi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, nhờ đó nuôi thành công, chồn sinh trưởng tốt hơn".

Ông Vui chia sẻ: “Chồn cái thì tôi để lại, tiếp tục nuôi để gây giống, còn con đực thì nuôi bán thương phẩm. Trước đây chưa vào HTX, bán lẻ thường bị thương lái ép giá. Hiện tại, các thành viên liên kết sản xuất, tạo được thương hiệu, nâng cao giá trị đầu ra”.

Chồn thương phẩm giá 1,2-1,4 triệu đồng/kg. Với quy mô nuôi 100 con, mỗi năm ông Vui thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng.

Ông Dương Tấn Thâu, Phó chủ tịch UBND xã Tân Trung, đánh giá: “Những năm qua, mô hình nuôi chồn phát triển mạnh ở địa phương, một phần là vì ít chi phí nhưng lợi nhuận cao; hơn nữa, chồn có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trước đây một số hộ nuôi riêng lẻ thường bị thương lái ép giá, nên HTX nuôi chồn được thành lập, nhằm liên kết sản xuất, tăng lợi nhuận, đảm bảo cho nghề nuôi phát triển bền vững”./.

Theo PHƯƠNG THẢO (Báo Cà Mau)