Với 4 nhóm nhiệm vụ lớn trong bộ chỉ số phòng, chống thiên tai gần như đạt điểm tuyệt đối, gồm: tổ chức, nhiệm vụ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và Văn phòng Ban Chỉ huy (12/12); phòng ngừa thiên tai (53/55); ứng phó thiên tai (15/15) và khắc phục hậu quả thiên tai (18/18) đã cho thấy công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đã thực chất, sát với tình hình thời tiết và phù hợp với từng địa bàn, khu vực.
Cà Mau là tỉnh đang phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Người dân trong tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về sản xuất, đời sống do mưa lớn, dông, sét, triều cường, sạt lở đất ven sông, ven biển...
Khu vực Vàm Xoáy (huyện Ngọc Hiển) từng là điểm nóng về sạt lở và hiện nay đã được đầu tư xây dựng kè.
Nhằm chủ động và giúp giảm thấp nhất thiệt hại, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, kiêm Phó chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết, tuỳ theo từng loại hình thiên tai, Cà Mau đều xây dựng và ban hành phương án ứng phó. Mọi phương án ứng phó đều được xây dựng rất cụ thể, theo từng cấp độ rủi ro, với tinh thần phòng ngừa từ sớm và từ xa.
Cụ thể, hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã cập nhật 5 phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ðó là các phương án: ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; ứng phó với bão mạnh, siêu bão; ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt.
Ông Tùng cho biết thêm: “Các phương án được xây dựng theo từng kịch bản ứng với lịch sử thiên tai đã từng xảy ra và có tính đến yếu tố bất thường. Kịch bản cao hơn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng...".
Kè ly tâm tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ là một trong những sáng kiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai của tỉnh Cà Mau, được Trung ương và cả các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Không chỉ vậy, trước nhận định của các cơ quan khí tượng thuỷ văn, mùa khô giai đoạn 2023-2025 sẽ gay gắt hơn, tổng lượng mưa có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%, mùa mưa kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai giai đoạn 2023-2025, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị, theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng lực lượng, không chỉ điều động làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai mà còn tham gia nhiều hoạt động khác nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu. (Trong ảnh: Lực lượng đoàn viên, thanh niên được huy động để thu gom rác khu vực Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).
Hiện nay, phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn đã được các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện. Ðiển hình như, để bảo vệ sản xuất của người dân, ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, lịch thời vụ hướng dẫn sản xuất được cập nhật theo từng giai đoạn, diễn biến thời tiết. Ðồng thời, tiến hành nghiên cứu triển khai các mô hình sản xuất tiết kiệm nước; các công trình cấp nước được sửa chữa, mở rộng. Ðối với các khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung, tỉnh đã xây dựng thêm 20 bể chứa nước (quy mô hộ, nhóm hộ gia đình) nhằm phục vụ dân sinh, bảo vệ sản xuất của người dân...
Ngoài ra, công tác tìm kiếm cứu nạn, nhất là trên biển cũng được triển khai kịp thời, sát thực tế. Theo đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, chủ đạo là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thuỷ sản... đã phối hợp với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh lân cận xử lý các vụ việc thuyền viên bị mất tích, tai nạn trên biển. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ này, từ đầu năm đến nay, đã cứu sống được 83 người; tìm được 9 thi thể mất tích trên biển bàn giao cho gia đình an táng. Ngoài ra, đã thông báo, kêu gọi 1.654 tàu cá; huy động 10 lượt tàu, ca nô biên phòng, 1 tàu kiểm ngư và 16 tàu cá ngư dân; cử 66 lượt cán bộ, chiến sĩ tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Hiện nay, tại các địa phương, có thể huy động tại chỗ 2.600 phương tiện thuỷ, bộ khi xảy ra thiên tai. Ngoài ra, có 393 cửa hàng, 15 doanh nghiệp đầu mối tham gia dự trữ gạo, mì ăn liền, xăng, dầu Diesel, dầu hoả... để tỉnh điều động khi cần thiết, phục vụ cho người dân khi có thiên tai lớn xảy ra. Ðặc biệt, 101/101 xã, phường, thị trấn của tỉnh có đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, với lực lượng trên 9.500 người...
Chịu tác động nặng nề của nhiều loại hình thiên tai nên thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Do đó, công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Còn nhớ cách đây không lâu, vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, khi xảy ra trận lốc xoáy làm thiệt hại gần 400 căn nhà của người dân, ngay lập tức, nhiều đoàn công tác của tỉnh, huyện đã có mặt để đưa ra những phương án hỗ trợ, khắc phục hậu quả kịp thời, theo thực tế nhu cầu của từng hộ dân. Từ đầu năm đến nay, tỉnh cũng đã chi hơn 580 tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương và quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh..., đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Những hoạt động và kết quả trên chỉ là một phần nhỏ trong số những nỗ lực giảm thiệt hại do thiên tai đã được các cơ quan chức năng triển khai. Tuy nhiên, nó đã phần nào cho thấy sự quyết tâm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn là bảo vệ bình yên cho cuộc sống người dân, bảo vệ tài sản, sản xuất của Nhân dân trước tác động của thiên tai ngày một phức tạp, khó lường. Hiện tại, 100% ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành đã được kiện toàn và phân công nhiệm vụ. Riêng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phân công thành viên phụ trách 5 khu vực để bám sát địa bàn và có chỉ đạo, điều hành kịp thời, sát thực tế khi xảy ra thiên tai.
Theo NGUYỄN PHÚ (Báo Cà Mau)