Riêng về sản xuất, bên cạnh diện tích nuôi thuỷ sản, hiện nay người dân đang tiến hành sản xuất lúa - tôm, lúa mùa, lúa đông xuân, canh tác rau màu, cây ăn trái và cây công nghiệp khác...
Hoa màu là loại cây dễ bị thiệt hại khi có mưa lớn nên người dân cần chủ động theo dõi thời tiết để có kế hoạch canh tác phù hợp, giảm thiệt hại.
Theo nhận định của Ðài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm, trên địa bàn tỉnh, bên cạnh chịu tác động của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông, còn có khả năng bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển... Các loại hình thời tiết cực đoan này dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu, độ mặn, mực nước trong vùng ngọt; đồng thời rà soát, kiểm tra các công trình kênh, mương, cống, đập để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất. Ðối với người dân, để giảm thiệt hại, cần tuân thủ đúng lịch thời vụ đã được khuyến cáo, đồng thời chủ động các biện pháp bảo vệ sản xuất của gia đình, nhất là trong việc gia cố bờ bao nhằm ngăn mặn, chống tràn...".
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ông Nguyễn Công Trạng, Ấp 5, xã Tân Thành, TP Cà Mau, bơm tát nước, chuẩn bị giống cho vụ lúa đông xuân này. Ông cho biết sẽ sạ trong vòng 2-3 ngày tới, nhằm tránh đợt mưa lớn thường diễn ra trong tháng 10 âm lịch, đồng thời để kịp thu hoạch, tránh tình trạng thiếu nước khi vào cuối vụ.
Ông Nguyễn Công Trạng chủ động chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân.
Cũng như ông Trạng, hiện nay nhiều nông dân sản xuất lúa ở xã Tân Thành đang bơm tát nước, hoàn thành khâu làm đất cuối cùng để xuống giống. Ngoài ra, nhiều hộ còn gia cố bờ bao để bơm tát nước phòng khi mưa lớn.
Sự chủ động của người dân phần nào cho thấy hiệu quả trong nỗ lực của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến trong cộng đồng.
Cùng với đó, hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã bố trí đủ lực lượng, phương tiện và vật tư cần thiết... sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần.
Thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân, là một trong những địa phương ven biển phải chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Ông Trần Quốc Yên, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Ðôi Vàm, cho biết: "Do có nhiều phương tiện công suất nhỏ, lại phải chịu tác động của bão, ngập úng, sạt lở đất... nên địa phương đã chủ động bố trí lực lượng, sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có tình huống. Mục tiêu là ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại, kiểm soát, kiên quyết không cho phương tiện ra biển khi chưa đảm bảo đầy đủ thiết bị an toàn".
Thực tế cho thấy, các loại hình thiên tai trên địa bàn tỉnh có ảnh hưởng lớn đến tài sản, sản xuất và đời sống của người dân. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra thiệt hại 223 căn nhà, trong đó sập 79 căn; hư hỏng, tốc mái 143 căn; 1 cơ sở thu mua ruốc; 107 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 2.853 m; thiệt hại cống xổ vuông... Mưa lớn, ngập úng làm thiệt hại hơn 940 ha lúa hè thu; hạn hán làm sạt lở, sụt lún 730 vị trí với tổng chiều dài 19.056 m... Tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai đến nay đã trên 40,1 tỷ đồng, đây là con số không hề nhỏ.
Vì vậy, công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão hiện nay phải được coi là nhiệm vụ thường xuyên và cực kỳ quan trọng, không chỉ của chính quyền địa phương mà quan trọng là của chính người dân.
Nhằm chủ động triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai những tháng cuối năm, mới đây, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau chủ động rà soát, qua đó chủ động chuẩn bị nhân lực, vật lực (cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị...) và các điều kiện cần thiết khác, sẵn sàng phục vụ công tác ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Riêng đối với sản xuất, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình thực tế, thông tin dự báo thời tiết, thiên tai để kịp thời điều chỉnh và hướng dẫn các địa phương thực hiện điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực. Kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sản xuất, nhất là khi thực hiện điều chỉnh lịch thời vụ. Phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan chuẩn bị sẵn sàng phương án hỗ trợ người dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản, thuỷ sản trong trường hợp phải thu hoạch sớm để tránh thiệt hại. Tập trung kiểm tra, vận hành các công trình thuỷ lợi, đê điều, để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, đảm bảo đủ khả năng ngăn triều cường, tiêu thoát nước chống ngập úng.
Theo SONG NGUYỄN (Báo Cà Mau)