Theo Sở Y tế, thời tiết chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, phát triển, dễ lây lan, như tiêu chảy, tả, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu, thuỷ đậu, quai bị, Rubella, cúm, sởi, tay chân miệng... Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, mọi người đều có thể mắc các bệnh, dịch truyền nhiễm, nhưng đối tượng dễ mắc nhất vẫn là trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6-12 tháng tuổi; bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi (chiếm đến 91% số mắc); thuỷ đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi (chiếm 90%); viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3-5 tuổi...
Mùa hè, nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát sinh, đối tượng dễ mắc bệnh nhất vẫn là trẻ em.
Nguyên nhân được xác định là do hệ thống miễn dịch của trẻ em đang hoàn thiện, lại chưa có ý thức trong phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây lan ra cộng đồng. Trong khi đó, công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh truyền nhiễm gặp nhiều khó khăn do điều kiện vệ sinh môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ý thức vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân chưa cao.
Ðể chủ động phòng, chống nguy cơ dịch bệnh xảy ra do hạn hán, xâm nhập mặn, Sở Y tế xây dựng phương án phòng, chống dịch trên người ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo ngành y tế, để thực hiện phương án này đạt hiệu quả, địa phương cần xác định những mục tiêu cụ thể.
Theo đó, đối với tình huống chưa xảy ra hạn hán - xâm nhập mặn vùng ngọt, địa phướng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Củng cố ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ Nhân dân các cấp, tăng cường trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Tăng cường công tác truyền thông tại trường học, bệnh viện và cộng đồng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh trong hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt.
Cà Mau phấn đấu đạt 100% hộ dân được hướng dẫn thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và được cung cấp đủ nước sạch, không để xảy ra dịch bệnh do nguồn nước và vệ sinh môi trường. Thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để dịch bệnh đường tiêu hoá xảy ra. Tăng cường mô hình giám sát sự kiện (EBS) dựa vào cộng đồng, các phần mềm quản lý y tế tại các tuyến.
Ðối với tình huống hạn hán - xâm nhập mặn vùng ngọt cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1, phương án đặt ra mục tiêu 100% ổ dịch được giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, truy vết và đáp ứng nhanh, xử lý triệt để nhằm giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm đang lưu hành, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vùng ngọt vào địa phương.
Bảo đảm công tác phân tuyến điều trị, giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối; thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, biến chứng. Tăng cường hoạt động tại bệnh viện đội đáp ứng y tế (EMT) với các thảm hoạ nếu có tại địa phương, đội đáp ứng nhanh, đội truy vết, tổ Covid cộng đồng.
Theo ngành y tế, thời gian tới đây là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh trên người, chính vì thế, việc chủ động phòng, chống là điều cần thiết. Cùng với những mục tiêu đặt ra, địa phương cần có những giải pháp đi kèm, trong đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát, truyền thông, đẩy mạnh công tác phối hợp, đảm bảo những điều kiện cần thiết về nguồn lực...
Theo Báo Cà Mau