Cách nhìn mới về cải lương đồng bằng

20/12/2019 - 14:22

Trong một buổi lên lớp khoá tập huấn kỹ thuật biên kịch cho tác giả trẻ tại Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh trung tuần tháng 11 vừa qua, sau khi đã phân tích hàng loạt các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển cuả sân khấu cải lương cả nước, một yếu tố được NSND - Đạo diễn Trần Minh Ngọc lặp đi lặp lại: "Sân khấu cải lương hiện thiếu đi hình tượng nhân vật là con người của xã hội hôm nay".

Điều này đặt ra suy nghĩ cho rất nhiều học viên, trong đó có tôi, rằng phải chăng lâu nay loại hình này đang có những bước lùi là bởi vì nó chưa thực sự đáp ứng được điều mà khán giả mong đợi...

Nhiều gam màu của bức tranh cải lương đồng bằng

Vở cải lương Hương sứ Đất Hòn của đơn vị Kiên Giang ghi đậm ấn tượng trong hội diễn.

Và rồi, trực tiếp theo dõi hết các phần thi tại Hội diễn Hương sắc Cửu Long lần 1 năm 2019 bản thân tôi mới cảm nhận hết sức sống của cải lương đồng bằng để tặc lưỡi tự tin rằng cải lương có chết đâu, nó vẫn mang trong mình hừng hực sức trẻ. Có chăng là cách tổ chức của giới chuyên môn chưa thực sự đúng hướng để nó phát triển!

Điều này được chứng minh bởi lực lượng diễn viên tham gia các vở diễn đa số tuổi đời rất trẻ, ca hay, diễn giỏi, mang đầy nhiệt tâm với nghề. 9 vở diễn đại diện cho 9 tỉnh tham dự Hương sắc Cửu Long đều mang một màu sắc riêng. Tuy là hội diễn quần chúng nhưng luôn được chăm chút, nghiêm túc để tự hào là những bông hoa mang hương sắc không kém phần chuyên nghiệp.

Cùng với những vở có nội dung dựng lại quá khứ cách mạng hào hùng của quê hương xứ sở để trui rèn lý tưởng con người trong thời đại mới như: Soi bóng (Hậu Giang), Hương sứ đất hòn (Kiên Giang) lại có những vở thiêng về tình cảm gia đình như Thiêng liêng tình mẹ (Bạc Liêu), Tình mẫu tử (Sóc Trăng), Tiếng đờn kìm (Vĩnh Long)... Điều đặc biệt, những vở diễn cải lương đặt ra nhiều vấn đề xã hội với nhân vật trung tâm là hình ảnh con người hiện đại đã xuất hiện, đem lại làn gió mới mẻ. Đơn vị Đồng Tháp với vở Phong cách người đứng đầu, phản ánh những góc khuất, thiếu minh bạch ở môi trường công sở, người lãnh đạo đề cao chủ nghĩa cá nhân, cậy thế quyền chèn ép cấp dưới. Từ đó, lồng ghép học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi người trong thời đại mới. Hay Tiếng đờn kìm của đơn vị Vĩnh Long, mượn xung đột của gia đình nhiều thế hệ để "đánh" vào thực trạng của loại hình đờn ca tài tử, cải lương, giải thích tại sao một bộ phận giới trẻ lại rời xa các môn nghệ thuật cổ truyền. Mảnh vỡ trái tim của đơn vị Cà Mau mang nội dung xoáy sâu vào đạo đức và mối quan hệ của các thành viên trong chính gia đình cũng như việc giáo dục nhiều bất cập, thực trạng bằng cấp ảo, việc chạy chọt chốn quan trường như hiện nay.

Từ những vở, chặp cải lương thi diễn đã xuất hiện nhiều giọng ca, tiếng đờn, nét diễn hay tạo được tính chân thực nghệ thuật và cảm xúc đẹp, thẩm mỹ ở người xem, khắc hoạ những hình tượng sân khấu chính diện, phản diện phong phú.
Tuy nhiên, theo Ban giám khảo hội thi, bên cạnh những thành công nhất định, vẫn còn tồn tại một số điểm trừ đáng chú ý: Trong 9 tiết mục dự thi có đến 1/3 vở cũ, cho thấy tồn tại, hạn chế về mặt sáng tác kịch bản mới; Một số vở do thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi khai thác các tình huống xung đột, kịch tính làm mất đi sự logic; Chuyên môn về bố cục, cấu tứ, non yếu vốn sống làm cho một số vở bị sượng, ảnh hưởng ít nhiều đến mạch kịch; Việc sử dụng màn hình led một số vở còn thiếu sự tương tác giữa màn hình và sân khấu trong tỷ lệ hài hoà nhất định; Đặc biệt, chịu nhiều ảnh hưởng của phong cách thông tin cổ động, lồng ghép tuyên truyền khi kết thúc một vở cải lương.

Góp một góc nhìn mới

Đây là hội diễn cải lương khu vực ĐBSCL lần đầu tiên được tổ chức tại vùng đất cuối trời, tạo cơ hội cho người làm nghệ thuật quần chúng lẫn chuyên nghiệp có thêm một sân chơi mới. Đặt ra một cách nhìn mới về cải lương ở tất cả các phương diện kịch bản, dàn dựng, ca diễn, âm nhạc, cảnh trí sân khấu để từng bước làm cuộc chuyển mình, nhất là giai đoạn mà một số tỉnh, thành phố đã và đang sáp nhập đoàn cải lương với trung tâm văn hoá như hiện nay.

Theo tiêu chí chung của ban tổ chức, mỗi đơn vị tham gia thi diễn mỗi vở dung lượng chỉ khoảng 50 phút, theo lý giải của Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau, đây là điều mà cải lương hiện đại cần phải hướng đến. Nếu như từ trước đến nay khán giả quen với những vở cải lương dài, thì nay với nhịp sống hối hả khán giả sẽ rất khó có thể ngồi theo dõi trọn vẹn. Bên cạnh đó, việc dàn dựng lê thê rất dễ đem lại cảm giác nhàm chán, thiếu sự thu hút. Chính vì thế cần phải có một cách làm cải lương mới, kịch bản ngắn gọn, súc tích trong một khoảng thời gian nhất định, tất cả mọi tình tiết, mâu thuẫn xung đột được sắp xếp theo nhịp điệu nhanh sẽ cuốn hút người xem. 

NSND - Đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng, Hương sắc Cửu Long đã mở ra một sân chơi bổ ích, giàu ý nghĩa với sự tồn tại và phát triển của sân khấu cải lương. Từ những gì đẹp nhất của hôm nay, hội thi sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm của người làm sân khấu hôm nay./.

Tối 13/12, Cục Văn hoá cơ sở phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ bế mạc Hội thi Sân khấu cải lương Hương sắc Cửu Long lần 1 năm 2019.
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi (11-12/12) với 9 vở, chặp với dung lượng khoảng 50 phút của 9 đơn vị nghệ thuật, kết quả có 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc vở diễn; 10 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc cá nhân. Trong đó, đơn vị tỉnh Cà Mau với vở cải lương Mảnh vỡ trái tim (Tác giả và Đạo diễn: Nguyễn Tiến Dương) đã mang về giải đạo diễn xuất sắc, Huy chương Vàng vở diễn; Diễn viên Nhất Phương, Tiểu Nhi đạt Huy chương Vàng và các diễn viên Minh Thuỳ, Hoàng Sum đạt Huy chương Bạc cá nhân. 

Theo Báo Cà Mau