Áp dụng cơ giới hóa trong làm đất và gieo sạ lúa tại Viện Lúa ÐBSCL ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.
Ðất bị mất cân đối dinh dưỡng
Với diện tích đất trồng lúa trên 1,5 triệu héc-ta, diện tích gieo trồng hằng năm trên 3 triệu héc-ta, hằng năm vùng ÐBSCL đóng góp 50% tổng sản lượng gạo và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, theo nhiều báo cáo, đánh giá tại các hội thảo, vùng ÐBSCL đang chịu nhiều tác động của BÐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng. Ðiều này ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của đất, tác động đến năng suất lúa và đời sống bà con nông dân. Việc đẩy cao cường độ thâm canh, tăng vụ, sử dụng phân bón vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất lý, hóa và sinh học của đất. Ðất lúa trong vùng cũng đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng do khai thác đất chưa đúng cách và chưa quan tâm đúng mức đến việc cải tạo, bồi bổ dinh dưỡng cho đất.
Một số kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, đất ở ÐBSCL xét về độ phì, về tổng số hàm lượng đạm, lân, kali, magie (Mg), canxi (Ca)… chưa bị giảm đến ngưỡng chúng ta phải báo động nhưng hàm lượng các dưỡng chất "dễ tiêu" cho cây trồng ngày càng giảm dần. Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Ðại học Cần Thơ, để đánh giá thực trạng về dinh dưỡng của đất canh tác lúa tại ÐBSCL, Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Công ty Cổ phần phân bón Bình Ðiền và các địa phương thực hiện trong giai đoạn từ 2016-2022 đã thu thập 76 mẫu đất tại ÐBSCL. Qua đó, đã phân tích 8 chỉ tiêu về độ phì nhiêu của đất, kết quả cho thấy hàm lượng Ca và Mg đủ cho nhu cầu của lúa, nhưng mất cân đối giữa Ca và Mg. Ðất tại nhiều nơi cũng có độ chua và độ mặn lớn, ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Hàm lượng chất hữu cơ trong đất không giảm mà tăng, nhưng giảm chất lượng làm đất thoái hóa, lúa bị dễ bị ngộ độc hữu cơ. Ðây là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm trong quản lý độ phì của đất. Lân và kali trong đất vẫn còn dồi dào nhưng hàm lượng lân và kali "dễ tiêu" cho cây lúa bị giảm mạnh và có xu hướng còn giảm.
Cần giải pháp đồng bộ
Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và Công ty Cổ phần phân bón Bình Ðiền tổ chức Hội thảo Quốc gia "Ðất và phân bón" lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề "Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng ÐBSCL và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa" ở TP Cần Thơ. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ thực trạng về đất lúa và việc canh tác lúa tại ÐBSCL, cũng như tác động của BÐKH và các điều kiện sản xuất bất lợi. Qua đó, đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác, cũng như thực hiện các biện pháp để bảo vệ, cải tạo, phục hồi độ phì nhiêu của đất canh tác lúa. Nhiều đại biểu cho rằng, để cải tạo đất và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, các bộ ngành, địa phương cùng với nông dân, doanh nghiệp và các bên có liên quan cần tích cực vào cuộc để triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời nhân rộng các mô hình và cách làm hay. Trong đó, chú ý "sức khỏe" của đất và nghiên cứu về dinh dưỡng của đất, thực hiện tốt các giải pháp về làm đất, thực hiện cách ly thời vụ, sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng phân bón hóa học. Quản lý, xử lý tốt rơm rạ bằng vi sinh để tạo nguồn phân bón hữu cơ trả về đồng ruộng. Ðẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để thực hiện san phẳng đồng ruộng, cày xới đất hợp lý nhằm tăng độ phì nhiêu, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa…
Theo ông Ngô Văn Ðông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Ðiền, Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BÐKH vùng ÐBSCL, do Công ty phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương, đơn vị có liên quan triển khai, với việc hài hòa một cách thông minh các yếu tố đầu vào đã cho hiệu quả rõ rệt. Quy trình canh tác do Chương trình đề xuất đã được Bộ NN&PTNT công nhận tiến bộ kỹ thuật để đưa vào áp dụng rộng rãi trong sản xuất lúa. Qua chương trình canh tác lúa thông minh cho thấy, chỉ khi hiểu được bản chất độ phì nhiêu của đất, phát hiện đúng yếu tố hạn chế cho sản xuất lúa sẽ cho phép sử dụng phân bón "đúng", giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và giảm phát thải. Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, để cây lúa hấp thu tốt các dưỡng chất có sẵn trong đất và giảm sử dụng phân bón hóa học, ngành chức năng cùng nông dân các địa phương cần chú ý làm đất sâu tầng, giúp cây lúa lấy nhiều dưỡng chất. Có thời gian phơi đất, ngâm đất và cách ly thời vụ. Làm rãnh nước rửa độc chất và tránh hiện tượng dồn độc. Bón các loại phân chuyên dùng để giúp cải tạo đất bị phèn, mặn, giúp cố định đạm, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây lúa và giảm ngộ độc hữu cơ…
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL, hiện Bộ NN&PTNT đã phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp và địa phương triển khai 7 mô hình thí điểm tại các vùng sinh thái khác nhau để làm cơ sở nhân rộng. Các mô hình đã áp dụng quy trình canh tác lúa giảm chi phí, bền vững, phát thải thấp. Kết quả cho thấy, năng suất lúa trong các mô hình cao hơn bên ngoài, lợi nhuận của nông dân được nâng lên và giảm được phát thải khí nhà kính. Với việc thực hiện gieo sạ chính xác bằng máy kết hợp với bón vùi phân bón, sử dụng phân bón chuyên dụng và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật đã giúp giảm mạnh lượng sử dụng giống và phân bón, với lượng phân bón tại các mô hình giảm từ 30-70kg/ha. Từ thực tế đó, chúng ta cần tiếp tục phát huy, nghiên cứu, áp dụng công nghệ trong bón phân, xây dựng công cụ quản lý, khuyến cáo nông dân sử dụng các loại phân bón chuyên dùng và chuyên cho từng vùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất để sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.
Theo KHÁNH TRUNG (Báo Cần Thơ)