Thu hoạch trái chôm chôm ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Ðầu ra sản phẩm bấp bênh
Nước ta đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ trái cây, nhất là tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và một số quốc gia vẫn còn theo đuổi chính sách "Zero COVID", điển hình là Trung Quốc, nên việc xuất khẩu trái cây và các loại nông sản sang thị trường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, qua 5 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta sang thị trường Trung Quốc đã giảm mạnh. Trong khi Trung Quốc vốn là một trong những thị trường xuất khẩu trái cây tươi chủ lực của nước ta trong nhiều năm qua nên đã ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất khẩu chung và làm cho giá nhiều loại trái cây giảm. Thời gian qua, đã có không ít lần xảy ra tình trạng ùn ứ trái cây xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc liên thông với thị trường Trung Quốc ảnh hưởng việc xuất khẩu các loại trái cây như mít, dưa hấu, thanh long... Do các loại trái cây này có sản lượng lớn, tiêu thụ dạng tươi thô, không thể bảo quản để lâu và chưa đa dạng được nhiều thị trường xuất khẩu nên dễ gặp cảnh "thừa hàng dội chợ" và giá bán giảm mạnh khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó.
Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 625 triệu USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Trung Quốc không còn là thị trường "dễ tính" do họ đặt ra các yêu cầu ngày càng khắt khe về việc truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng còn gặp khó vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, dự báo đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới, Trung Quốc có khả khăng gỡ bỏ chính sách "Zero COVID".
Cần giải pháp kịp thời
Ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam có lợi thế là ở gần kề thị trường tiêu thụ rộng lớn là Trung Quốc nên chi phí vận chuyển hàng sang Trung Quốc thấp hơn so với nhiều nước khác ở xa. Tuy nhiên, chúng ta phải kịp thời nắm bắt nhu cầu và các yêu cầu của thị trường này để cải tiến chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất và hợp lý hóa các chi phí trong quá trình đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Ðể giảm chi phí, cần chú ý áp dụng nông nghiệp tuần hoàn, tăng sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học thay thế phân thuốc hóa học giá cao…". Theo bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều và hiện tại hầu như còn khó hơn thị trường Mỹ, khi họ kiểm tra rất nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Chúng ta cần kịp thời thông tin đến nông dân và cần có sự phối hợp tốt từ các bộ ngành Trung ương, địa phương và tất cả các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng trái cây để ổn định tiêu thụ tại các thị trường truyền thống và mở rộng thêm thị trường mới.
Năm 2021, giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 3,55 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm trước. Còn 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta ước đạt 1,47 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm do nhiều nước giảm nhu cầu nhập khẩu và siết chặt quản lý về an toàn dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, nhiều loại trái cây của nước ta còn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô, chưa đa dạng hóa được các sản phẩm chế biến sâu có thể dễ dàng mang đi tiêu thụ ở xa và bán được giá cao.
Tổ Ðiều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề "Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam". Tại diễn đàn này, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây trong những tháng cuối năm 2022 và trong những năm tới, các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh còn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và sự tăng giá của nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Ðặc biệt, cần tăng cường công tác thông tin thị trường, kịp thời rà soát sản lượng và thời điểm thu hoạch của từng loại trái cây tại các địa phương để có giải pháp tiêu thụ kịp thời, cũng như đẩy mạnh các hoạt động bảo quản và chế biến sản phẩm.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, năng lực chế biến trái cây ở nước ta còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, do vậy nếu gặp khó khăn khi xuất khẩu, lập tức ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trái cây của nông dân. Sản xuất cây ăn trái cũng gặp khó khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí đầu vào đang tăng cao và điều này có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái cây. Về lâu dài, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng chất lượng, giảm chi phí, tăng chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tăng cường liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi ngành hàng trái cây để sản xuất gắn với nhu cầu thị trường.
Theo Báo Cần Thơ