Ngày 9-3, UBND TP Cần Thơ họp với các sở, ngành và quận huyện bàn về phát triển du lịch của TP.
UBND TP Cần Thơ họp với các sở, ngành và quận, huyện về phát triển du lịch ngày 9-3. Ảnh: NN
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Văn Tâm bày tỏ quan điểm ủng hộ xây dựng sản phẩm du lịch mới, trong đó có du lịch tâm linh mà cụ thể là xây dựng tượng Phật Quan Âm cao 49m thuộc Dự án nhà vườn Cồn Khương của Công ty Nam Long.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Việt Phường cho biết Dự án nhà vườn Cồn Khương có diện tích 14 ha, Công ty Nam Long xin chuyển 3ha để làm du lịch tâm linh; trong đó, ngoài xây dựng tượng Phật Quan Âm thì sẽ có các khu như khám bệnh đông y, khu nhà hàng chay, khu tham quan nhà vườn…
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng rất quan tâm đến đề nghị của giám đốc Sở VH-TT&DL về việc đề nghị Sở Xây dựng sớm cấp phép cho vũ trường thuộc khu nhà hàng Hoàng Tử (Biển Cần Thơ). Theo ông Phường, quy hoạch của TP có 21 vũ trường nhưng hiện chỉ có 1, 2 cái nhưng không có cái nào xứng tầm.
Theo ông Tâm, việc xây dựng vũ trường trên đang xây dở dang, “chỉ còn cất nóc nữa là xong thì không biết vì sao không cho làm nữa?”. Cũng theo ông Tâm, chỉ một thời gian nữa dự án bên cồn Ấu sẽ có khách nước ngoài tới, mà tới họ không có chỗ chơi thì làm thế nào?
Ông Tâm cho biết quan điểm của ông ủng hộ việc này và chỉ đạo Sở VH-TT&DL sau cuộc họp có ngay đề nghị để TP trình Thường trực Thành ủy xem xét.
Thiền viện Trúc lâm Phương Nam là một điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách viếng thăm mỗi dịp lễ, cuối tuần khi đến Cần Thơ. Ảnh: NN
Ngoài ra, một vấn đề cũng được nhiều người quan tâm là đẩy mạnh phát triển điểm du lịch sinh thái. Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch- Đầu tư cho rằng mọi người khi nghĩ đến Cần Thơ là nghĩ đến chợ nổi Cái Răng. Do đó, TP cần tập trung cho việc giữ gìn hình ảnh, sự phát triển của chợ nổi Cái Răng để thu hút du khách. Cũng theo vị này, nếu chỉ phát triển du lịch sinh thái thì sẽ giống nhiều địa phương xung quanh. Như vậy, khách từ TP.HCM chỉ đi tới Tiền Giang, Bến Tre là quay về chứ không đi tới Cần Thơ nữa.
Về vấn đề này, ông Tâm cho biết TP cũng đã có rất nhiều chỉ đạo về giữ gìn, phát huy chợ nổi Cái Răng như yêu cầu Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện công ăn việc làm bằng việc giúp các hộ dân ở đây có nhu cầu sắm phương tiện mới, tăng cường sản phẩm nông sản sạch để mua bán… Cạnh đó, quận Cái Răng đã lấy lại một kho có diện tích cả ngàn mét vuông của nông trường sông Hậu để xây dựng điểm dừng chân, dự tính xây thêm tầng để du khách có thể ngắm toàn cảnh chợ nổi nhưng tốc độ thực hiện còn chậm quá!
Chợ nổi Cái Răng được xem là điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ được nhiều người quan tâm. Trong ảnh du khách nước ngoài thuê tàu nhỏ đi tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: NN
Báo cáo của Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ cho thấy trong quý I-2018, TP đón gần 2,5 triệu lượt khách đến. Doanh thu ước đạt hơn 670 tỉ đồng… Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội TP hỗ trợ cho nông dân làm du lịch trong năm 2018 với tổng nhu cầu vốn hơn 37 tỉ cho 654 hộ dân.
Trong báo cáo, Sở này kiến nghị UBND TP tiếp tục trình Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo – dân tộc chấp thuận chủ trương xây dựng tượng Quan Âm trong dự án khu nhà vườn Cồn Khương do Công ty Nam Long làm chủ đầu tư, nhằm tạo thêm điểm du lịch cho du khách. Đồng thời đề nghị TP quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo hoạt động đưa rước khách tại các bến đò ngang qua Cồn Sơn phục vụ dân sinh và phục vụ du lịch theo hướng đảm bảo điều kiện theo quy định pháp luật và đảm bảo dân sinh.
Về bến đò Cồn Sơn, ông Lê Minh Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL nói: “Bến đò Cô Bắc là bến nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu người dân ở đây đi lại, các cháu đi học và khách du lịch lẻ. Mới đây, quận Bình Thủy cho xây dựng thêm một bến mới rộng hơn đi qua khu tưởng niệm Bùi Hữu Nghĩa chuyên phục vụ khách du lịch, thì đề nghị quận Bình Thủy và các ngành liên quan tạo điều kiện cho hai bến đò này hoạt động song song”.
Theo NHẪN NAM (Pháp Luật TP. HCM)