Tình hình sạt lở bờ sông ở Hậu Giang tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.
Đối mặt với nhiều thách thức
ĐBSCL được đánh giá là 1 trong 5 đồng bằng châu thổ trên thế giới chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo số liệu quan trắc, trong thời gian qua nước biển dâng với tốc độ 0,35 cm/năm và có chiều hướng tăng nhanh hơn. Tác động từ các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sông Mekong, làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, đặc biệt là suy giảm mạnh lượng phù sa, mất cân bằng bùn cát tại ĐBSCL.
Do tập quán cất nhà ở ven sông của người dân nên xảy ra tình trạng sạt lở gia tăng ngày càng cao.
Tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất đã và đang diễn ra với tốc độ nhanh. Theo số liệu quan trắc từ năm 2012-2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tốc độ sụt lún đất trung bình khoảng 0,96 cm/năm (gấp gần 3 lần tốc độ nước biển dâng), ĐBSCL có nguy cơ bị chìm dần do tác động kép của sụt lún đất và nước biển dâng. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn, mất đất ở vùng ven biển ĐBSCL đã đến mức báo động. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2016 đến nay, ĐBSCL đã xảy ra 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 1.130km (trên 740km bờ sông, 390km bờ biển bị sạt lở); mỗi năm mất khoảng 500ha rừng ngập mặn, hàng ngàn hộ dân ven sông, ven biển bị ảnh hưởng do sạt lở. Tình trạng ngập úng khi mưa lớn, triều cường, nhất là tại các đô thị; ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; xâm nhập mặn vào sâu trong các cửa sông. Tình trạng khai thác cát sỏi quá mức, trái phép vẫn còn xảy ra, là một trong những nguyên nhân gây hạ thấp lòng sông, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đặc biệt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng, đáng báo động như báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê 50 năm qua, diện tích rừng ngập mặn giảm khoảng 80%, từ năm 2011-2016, giảm trên 15.300ha do sạt lở và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nuôi trồng thủy sản. Trong đó, Cà Mau là tỉnh có đường bờ biển dài nhất và cũng bị sạt lở, xâm thực của biển mạnh nhất với trên 90km bị sạt lở. Giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250ha.
Theo đánh giá của các ngành chức năng là do chưa làm tốt công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch không gian sinh tồn và phát triển kinh tế cho người dân để phát triển bền vững như tập quán sinh sống của người dân chủ yếu dựa vào sông nước, nhà cửa, công trình giao thông đều sát ven sông, kênh, rạch, ven biển. Vì vậy, khi xảy ra sạt lở là ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống, sản xuất của Nhân dân. Chưa chủ động phòng ngừa mà chủ yếu vẫn bị động ứng phó. Diễn biến sụt lún, sạt lở, ngập úng rất nhanh, quy mô rộng, phức tạp, khả năng ứng phó không kịp thời, thiếu hiệu quả, nhiều địa phương xác định được khu vực có nguy cơ sạt lở cao nhưng chưa chủ động bố trí nguồn lực hoặc nguồn lực còn hạn chế để đầu tư, khi xảy ra sự cố sạt lở phải xử lý khắc phục khẩn cấp dẫn tới tốn kém.
Một số công trình phòng, chống sạt lở được đầu tư chưa thực sự căn cơ, bài bản, chưa thực sự hiệu quả, bền vững, chưa tính tới trước mắt và lâu dài. Chưa huy động được nhiều nguồn lực cho phòng, chống sạt lở, hầu hết phải dựa vào ngân sách nhà nước, hỗ trợ từ ngân sách trung ương; sự chủ động, tích cực của doanh nghiệp, địa phương chưa nhiều. Công tác duy tu, bảo dưỡng sau đầu tư chưa được địa phương quan tâm bố trí nguồn lực để sửa chữa, khắc phục kịp thời khi xảy ra hư hỏng cục bộ. Nhiều điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm cần xử lý ngay để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng nhưng chưa được xử lý kịp thời.
Tích cực phòng, chống sụt lún, sạt lở
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 63 điểm sạt lở bờ sông, với chiều dài sạt lở 1.550m, diện tích mất đất 9.362m2, ước thiệt hại hơn 5,6 tỉ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ thì số vụ sạt lở tăng 46 điểm, chiều dài sạt lở tăng 1.089m, diện tích mất đất tăng 6.528m2, ước thiệt hại tăng hơn 3,5 tỉ đồng. Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã xây dựng phương án ứng phó sạt lở, sụt lún đất ở các cấp địa phương; xác định các trọng điểm xung yếu về đê điều và xây dựng phương án hộ đê. Rà soát, thống kê, lập phương án sơ tán, di dời dân khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Xây dựng, rà soát, cập nhật các bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh rạch, sụt lún đất; quản lý việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông, kênh rạch đảm bảo hành lang an toàn, không làm gia tăng rủi ro sạt lở bờ sông, kênh rạch. Tăng cường công tác thông tin, truyền tin, cảnh báo sớm về mưa lớn, sạt lở đến người dân. Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác cát trái phép. Tổ chức di dời nhà cửa, tài sản khu vực nguy cơ cao, tổ chức cắm các biển hiệu cảnh báo ở khu vực nguy hiểm. Tuyên truyền, vận động Nhân dân, tổ chức cùng tham gia triển khai thực hiện xã hội hóa công tác phòng, chống sạt lở như: hộ gia đình tự xây dựng kè, nhân rộng mô hình kè sinh thái phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch.
Qua kiểm tra tình hình sạt lở một số địa phương ĐBSCL mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương phải kịp thời theo dõi, giám sát, cảnh báo cho người dân tại các khu vực có nguy cơ sụt lún, sạt lở, ngập úng; chủ động tổ chức di dời ngay các hộ dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của người dân; thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các hộ dân ở khu vực bị sạt lở hoặc phải di dời phòng ngừa sạt lở ổn định đời sống. Tiếp tục xử lý sạt lở, tập trung xử lý sớm các khu vực đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng.
Về lâu dài, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương, hóa giải những thách thức, chủ động đầu tư các dự án đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng. Đối với những nơi có điều kiện phù hợp cần nghiên cứu các dự án mang tính chiến lược, căn cơ, bài bản như xây dựng đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, phá sóng, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, đồng thời phát triển quỹ đất.
Tổ chức theo dõi, giám sát sụt lún, sạt lở, ngập úng. Nghiên cứu đánh giá đầy đủ, khoa học về nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở, ngập úng, xác định các giải pháp phù hợp đối với từng khu vực cụ thể, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà cửa, không để xây dựng sát ven sông, kênh, rạch, ven biển làm tăng rủi ro thiên tai, tăng nguy cơ sạt lở. Chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời các hộ dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở tới nơi an toàn. Quản lý chặt chẽ việc khai thác cát trên sông, ngăn chặn triệt để, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép. Có lộ trình để hạn chế, tiến tới kiểm soát việc khai thác nước ngầm.
Rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún, ngập úng để có phương án, kế hoạch, dự án chủ động phòng, chống từ sớm, từ khi chưa xảy ra, từng bước khắc phục tình trạng bị động, bất ngờ phải ứng phó. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân rộng các mô hình, giải pháp công nghệ hiệu quả, vật liệu phù hợp nhằm phòng, chống sạt lở, sụt lún, ngập úng kịp thời, hiệu quả. Tập trung bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, từng bước phục hồi đai rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời khai thác tín chỉ các bon. Tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), tập trung huy động các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để đầu tư các dự án phòng, chống, khắc phục sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học công nghệ của các nước, đồng thời tranh thủ vận động hỗ trợ nguồn lực từ quốc tế nhằm nâng cao năng lực dự báo và đầu tư phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng ở ĐBSCL. Các cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tập trung truyền thông chính sách, tuyên truyền những mô hình hiệu quả, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng.
ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát triển bền vững. Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740km bờ biển, ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là kinh tế biển, thủy sản, giao thông thủy. ĐBSCL là vựa lúa, trái cây và thủy sản lớn nhất cả nước, cung cấp trên 50% sản lượng gạo sản xuất, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm 70% trái cây, 40% thủy sản đánh bắt và 70% thủy sản nuôi trồng.
Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)