ĐBSCL đóng góp rất lớn vào lượng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Vùng sản xuất trọng điểm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BNN&PTNT), tính đến nay diện tích sản xuất lúa vùng ĐBSCL ước đạt 3,9 triệu héc-ta và cung ứng khoảng hơn 23 triệu tấn lúa/năm. Còn về cây ăn trái, ước sản lượng các loại cây ăn trái chính như xoài, chuối, thanh long, khóm, cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít… toàn vùng đạt gần 5,5 triệu tấn/năm. Tính chung đến nay, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng hơn 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại…
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, nông sản, thực phẩm Việt Nam đã hiện diện tại 190 quốc gia. Rất nhiều nhóm ngành hàng đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD như nhóm hàng rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm… và dự kiến còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Riêng mặt hàng gạo, năm 2023, sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Gạo Việt Nam đã thiết lập kỷ lục mới khi sản lượng xuất khẩu đạt hơn 8,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 4,7 tỉ USD, tăng 35,5% so với năm 2022. Thị trường xuất khẩu chủ lực lớn nhất là khu vực châu Á với hơn 6 triệu tấn gạo, kế đến là thị trường châu Phi 1,34 triệu tấn và châu Âu 132.000 tấn… Cũng theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm nay đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu khẩu gạo bình quân đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%. Năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn sẽ duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng ĐBSCL đóng góp là 7,6 triệu tấn gạo.
Không dừng lại đó, những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã bổ sung vào giỏ thực phẩm toàn cầu lượng lớn nhóm hàng hóa là tôm, cá tra, cá ngừ, bạch tuộc, cua ghẹ và giáp sát, thủy hải sản khác tương ứng giá trị 2 tỉ USD. Trong đó, nhiều nhất là sản phẩm cá tra với giá trị 411 triệu USD. Anh là thị trường có tỷ lệ kim ngạch nhập khẩu cá tra lớn nhất với 12 triệu USD, sang UAE hơn 7 triệu USD và sang Canada hơn 8 triệu USD… Riêng với sản phẩm tôm, kim ngạch xuất khẩu những tháng qua cũng đạt 686 triệu USD. 5 thị trường có kim ngạch nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Úc. Các địa phương có sản lượng nuôi trồng thủy hải sản cung ứng cho thị trường toàn cầu nhiều nhất tập trung tại vùng ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang.
Hệ lụy từ biến đổi khí hậu
Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực của quốc gia, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mekong… khiến cho miền Tây đang phải đối mặt với sụt lún, sạt lở đất; thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… rất nghiêm trọng. Cả vùng hiện có hơn 800 khu vực sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.000km; trung bình mỗi năm mất từ 300-500ha đất do lở bờ sông, bờ biển. Tính riêng tỉnh Cà Mau, từ năm 2011 đến nay đã có hơn 350km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 5.300ha đất sản xuất, đất ở và rừng ngập mặn. Từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm hơn 50.000 hộ dân ở ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt; gần 1.000 tuyến đường, bờ kênh, nhà ở, kho xưởng, cầu giao thông bị hư hỏng, đổ sập do sụt lún, sạt lở; hàng ngàn héc-ta rau màu bị thiếu nước tưới, chết khô; hàng trăm héc-ta rừng bị cháy rụi…
Còn tại tỉnh Hậu Giang, tính từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 13 điểm sạt lở đất bờ kênh, với tổng chiều dài 370m, diện tích mất đất hơn 1.700m2; ước thiệt hại 2,267 tỉ đồng. Các điểm sạt lở tập trung chủ yếu ở thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành, Phụng Hiệp. Nguyên nhân sạt lở chủ yếu là do ảnh hưởng dòng chảy.
Những con số trên cho thấy, hậu quả và hệ lụy của biến đổi khí hậu là rất nặng nề, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Không chỉ gây thiệt hại lớn về tài sản, kinh tế mà còn đe dọa đến sự an toàn, tính mạng của hàng triệu người dân miền Tây; về lâu dài, nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và toàn cầu là rất lớn. Theo dự báo, mức độ tác động và những con số thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra với ĐBSCL sẽ còn tăng lên khủng khiếp trong tương lai, nếu ngay lúc này không có các giải pháp căn cơ, cấp thiết.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ khẳng định, thấy rõ vai trò quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã dành sự quan tâm lớn, có nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm năng của vùng. Trong đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 vào năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai thực hiện nghị quyết này trong những năm qua đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần hóa giải được nhiều thách thức trong sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, nguồn nước ngầm suy giảm và sự hình thành nhiều đập thủy điện ở khu vực thượng nguồn sông Mekong khiến vùng ĐBSCL đối mặt với sụp lún, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt… ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại hơn, sản lượng lương thực của vùng đang có chiều hướng suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia. Trong tương lai, vùng ĐBSCL có nguy cơ chìm dưới mực nước biển… Thực tế trên đặt ra yêu cầu, ngay lúc này cần phải có giải pháp cấp bách, căn cơ, kịp thời để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Văn Sỹ, Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết thời gian qua, bộ đã xây dựng được các chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, với vùng ĐBSCL sẽ có các hoạt động như điều tra đánh giá các nguồn nước dưới đất, phát triển các trung tâm về nông nghiệp, phát triển vùng nguyên liệu hướng đến phát triển bền vững, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thủy, chú trọng các khu vực dễ bị tổn thương. Bộ cũng ban hành các thông tư hướng dẫn các vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; lồng ghép các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch phát triển… Vì vậy, một số giải pháp được đề xuất như cần xây dựng chiến lược tổng thể, bảo vệ sử dụng bền vững các nguồn nước ở ĐBSCL; giảm tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm. Bởi sụt lún làm gia tăng tác động của nước biển dâng. Ngoài ra, xây dựng hệ thống công trình trữ nước trong mùa mưa để sử dụng trong mùa khô; hoàn thiện hệ thống đê bao ngăn mặn; chuyển đổi phát triển nông nghiệp bền vững; xây dựng các tuyến dân cư, nhà ở để chủ động hỗ trợ người dân trong các trường hợp cần thiết.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ, cho rằng khô hạn và xâm nhập mặn là hiện tượng bình thường hàng năm ở vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, trong hơn 2 thập niên qua, hiện tượng này có xu thế gia tăng, có năm trở nên cực đoan, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh kế cộng đồng. Hiện nay, vùng ĐBSCL tạm phân chia thành 3 vùng sinh thái nước. Vùng phù sa nước ngọt phía trên thường ngập sâu trong mùa mưa lũ, đa phần đủ nước ngọt quanh năm, áp dụng canh tác lúa, cây ăn trái và nuôi cá; vùng chuyển tiếp ở giữa là nơi ngập nông trong mùa lũ, có một phần nước lợ vào mùa khô, tác động ngọt - mặn theo thủy triều, có thể canh tác lúa, nuôi tôm và cây ăn trái; đối với vùng ven biển cuối nguồn bị nhiễm mặn quanh năm và thiếu nước ngọt vào mùa khô, cần áp dụng canh tác thủy sản nước mặn… Từ các vùng sinh thái đặc thù đó, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp để thích ứng với hạn mặn và biến đổi khí hậu; cần đẩy mạnh các mô hình sản xuất thuận thiên để phát triển ĐBSCL bền vững…
Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)