Ảnh minh họa. Ảnh: D.Út
Ấy vậy mà năm nay, tháng Bảy đến rồi, nước hổng thấy đâu và cá linh cũng chưa thấy về. Người ta nói năm nay nước sẽ không cao như mọi năm nữa, nguyên nhân là "thiên tai" cộng hưởng với "nhân tai", biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường và hệ quả của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn. Người thèm hương vị con cá linh đầu mùa thấy buồn buồn, thiếu thiếu. Nhưng có lẽ buồn nhứt là bà con nông dân. Hết "sống chung với lũ", giờ chắc phải chịu cảnh "sống chung với hạn"?!? Nhớ mấy năm trước còn tận dụng mùa nước về để nuôi tôm nuôi cá, rồi giờ sao đây? Rồi nào nghề đóng xuồng ghe, đan lờ đan lọp, dệt chày dệt lưới, giờ thì sao đây? Nhớ ngày nào quay kín đê bao để làm lúa ba vụ, giờ làm sao đây? Quê mình mà hổng có lũ về theo quy luật bao đời thì còn gì là một vùng đất nước ngọt quanh năm tưới khắp ruộng đồng, còn gì là phù sa để có biển lúa vàng, có những khu vườn quanh năm cây xanh, trái ngọt. Trách trời hay trách đất đây? Mà ngồi than thân trách phận thì có thay đổi được không hay chính mình phải thay đổi để thích ứng? Câu chuyện biến đổi khí hậu, chuyện tác động của các đập thuỷ điện thượng nguồn chặn dòng nước và phù sa thì đã và đang nói mãi rồi. Hay là, mình phải tự cứu mình thôi, hổng lẽ ngồi "bó tay, bó chân?". Trời không "chìu" con người thì con người phải "chìu" theo ông trời chớ biết sao bây giờ? Thuận thiên mà!
Mà đâu phải tới bây giờ mới không còn hình ảnh một Đồng bằng "trên tôm dưới cá" đâu! Con người sinh ra ngày càng đông, mà thiên nhiên hình như đâu có nở nồi theo kịp, thậm chí, chính bàn tay của con người góp phần làm cạn kiệt tài nguyên. Vậy, muốn tồn tại con người phải có cách nghĩ khác, cách làm khác. "Cái khó phải làm ló cái khôn, chớ không được bó cái khôn"! Trăm năm nước, những con người khẩn hoang đã chống chịu và chinh phục với thiên nhiên khắc nghiệt, thì trăm năm sau con người sẽ vẫn không cam chịu. Thì đã có nghị quyết rồi, có chủ trương rồi. Nước không còn dồi dào thì chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác ít cần nước hơn. Phù sa không nhiều thì thay đổi quy trình sản xuất để phục hồi chất dinh dưỡng trong đất. Người ta dùng phương pháp tưới nhỏ giọt mà làm xanh ngát cả cánh đồng giữa sa mạc khô cằn. Người ta còn tạo ra những giá thể để nuôi lớn từng luống hoa, khóm cây trong điều kiện khan hiếm nước ngọt.
Nói là nói vậy, nhưng thay đổi đâu là việc dễ dàng với hàng triệu nông dân quanh năm suốt tháng có khi không ra khỏi được thửa ruộng, miếng vườn. Còn những khoảng trống mênh mông giữa cách làm ngắn hạn mùa vụ với kế hoạch chuyển đổi dài hạn, giữa những lý thuyết hàn lâm và thực tế hàng ngày trên ruộng vườn. Thắt thỏm ăn đong từng mùa, vụ này chưa thu hoạch xong là đã phải chuẩn bị gối đầu vụ mới rồi. Rồi trong một ô bao, người muốn chuyển đổi người thì không. Vườn trong ruộng, rau màu vây quanh đồng lúa. Lại xuất hiện xung đột lợi ích do xung đột cách làm. "Trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa" mà! Mỗi lần thay đổi là biết bao câu hỏi đặt ra. Hỏi thì dễ, nhưng tìm ra câu trả lời mới khó. Chuyển đổi sang trồng cây khác, vật nuôi khác không khó nhưng có bảo đảm đầu ra không gặp rủi ro không, hay "tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa"?
Nếu đúng theo những gì các chuyên gia dự báo và khuyến cáo thì đây lại là một bước ngoặc lớn cho Đồng bằng. Có anh nông dân thốt lên: "Nếu không thay đổi là chết, tôi không thể khoanh tay mà chờ chết"! Đúng rồi, nhưng đúng hơn nữa là cả hệ thống phải thay đổi để dẫn dắt hàng triệu nông dân cùng thay đổi theo. Phải có kế hoạch đồng bộ và chính sách khả thi kèm theo. Người nông dân phải được huấn luyện để có đủ kỹ năng ứng phó và thích nghi với sự thay đổi của biến đổi khí hậu và xu thế của thị trường. Nhiều kiến giải tâm huyết rồi, nhiều nghị quyết, chủ trương rồi, nhưng người nông dân phải "mắt thấy, tai nghe", phải chứng minh cho bà con bằng những mô hình kèm theo những con số có thể định lượng được. Nước không tràn đồng thì tôm cá sẽ ít đi, những ngành nghề sinh kế từ mùa nước nổi, như: đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, đóng xuồng ghe, làm ngư cụ sẽ có thể mai một dần. Vậy là, phải có kế hoạch chuyển đổi, phải tạo ra ngành nghề mới, dạy nghề mới và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Trăm nổi lo!
"Canh chua điên điển, cá linh. Ăn chỉ một mình nên chẳng biết ngon"! Bông điên điển vẫn trổ vàng như đã hẹn ước dọc theo các dòng kInh, nhưng con cá linh non vẫn chưa thấy về!
Theo Báo Đồng Tháp