Cây khóm MD2 'bén duyên' vùng đất trũng phèn Sóc Trăng

21/09/2022 - 09:37

Huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) là vùng chuyên canh về sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính là lúa, một số cây trồng phụ là tràm và mía. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá bán mía, tràm ở mức thấp, trong khi giá phân bón tăng cao, việc thuê mướn lao động gặp khó sau mỗi vụ thu hoạch.

Do đó, một số nơi nông dân chuyển sang trồng cây khóm MD2, đem về nguồn thu nhập khá tốt, lại được công ty hợp đồng liên kết cung cấp giống, bao tiêu đầu ra.

Huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) là vùng chuyên canh về sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính là lúa, một số cây trồng phụ là tràm và mía. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá bán mía, tràm ở mức thấp, trong khi giá phân bón tăng cao, việc thuê mướn lao động gặp khó sau mỗi vụ thu hoạch. Do đó, một số nơi nông dân chuyển sang trồng cây khóm MD2, đem về nguồn thu nhập khá tốt, lại được công ty hợp đồng liên kết cung cấp giống, bao tiêu đầu ra.

Trái khóm MD2 có trọng lượng mỗi trái từ 1,3-1,5kg rất thích hợp dùng cho việc chế biến thực phẩmđóng hộp hay dùng tươi.

Tham quan vườn khóm MD2 của ông Trần Phi Hùng, ấp Mỹ Khánh B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú đang xanh tốt, nhiều cây trong giai đoạn cho trái. Theo lời ông Hùng, diện tích đất trồng khóm hơn 1ha này trước đây trồng mía, nay do giá mía thấp, chi phí đầu tư canh tác tăng nên khi có công ty cung cấp giống khóm MD2 và thu mua trái, ông mạnh dạn phá bỏ vườn mía, để trồng khóm. Với hơn 1ha khóm, sau 18 tháng trồng cho thu hoạch 65 tấn trái.

Ông Hùng chia sẻ: “So với các loại cây trồng khác, cây khóm nhẹ công chăm sóc, chi phí không nhiều chỉ việc đầu tư cây giống và sử dụng một số loại phân hữu cơ theo hướng dẫn của công ty là cây phát triển tốt, ít khi bị dịch bệnh. Trồng khóm vào thời điểm mùa nắng chỉ cần tưới nước mỗi tuần 1 lần. Còn mùa mưa không cần tưới nước, chỉ cần làm các rãnh thoát nước mưa, tránh nước ngập lâu trên ruộng khóm. Sở dĩ bà con nông dân mạnh dạn trồng khóm do được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp huyện trong khâu liên kết với công ty bao tiêu đầu ra và hỗ trợ nông dân tham gia mô hình về chi phí mua giống ban đầu”.

Cũng theo ông Hùng, công ty hợp đồng liên kết vừa cung cấp giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khóm trong suốt mùa vụ. Do đó, đảm bảo cho hộ trồng khóm thu hoạch đạt năng suất. Ngoài thu mua trái, hom khóm giống cũng được công ty thu mua. Thông qua đó, lợi nhuận thu về của bà con trồng khóm tăng lên cao hơn so với dự tính ban đầu. “Theo ghi chép của gia đình tôi, vừa bán khóm trái, vừa bán hom khóm giống thu về gần 200 triệu đồng/ha trong vụ đầu tiên (18 tháng), trừ chi phí còn hơn 150 triệu đồng” - ông Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Ngoan, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, chia sẻ: “Diện tích trồng cây khóm MD2 trên địa bàn xã mở rộng hơn 20ha, tập trung tại các ấp Mỹ Khánh B, Mỹ Khánh A, Tân Phước A1, Tân Phước A2. Theo đó, cây khóm MD2 rất thích hợp trồng tại địa phương, bởi đây là vùng đất trũng phèn phù hợp với đặc tính cây khóm. So với trồng mía thì trồng khóm ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn cây mía. Ðồng thời, khóm được thị trường ưa chuộng dùng ăn tươi và chế biến, thuận lợi của bà con trồng cây khóm là có công ty hợp đồng liên kết, bao tiêu đầu ra. Chính vì vậy, việc trồng khóm đã góp phần phát triển thêm trồng cây mới tại địa phương, tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương…”.

“Dự kiến đến năm 2025, toàn xã Long Hưng mở rộng diện tích trồng cây khóm MD2 lên 400ha trên đất mía kém hiệu quả. Trồng khóm có lợi là chỉ xuống giống 1 lần sẽ thu hoạch trái được nhiều đợt, do khóm phát triển từ các chồi cây mới, sẽ tiếp tục cho trái trên chồi mới. Trồng khóm MD2 cho lợi nhuận cao hơn gấp nhiều lần so với trồng mía” - ông Nguyễn Thanh Ðiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú, chia sẻ.

Theo Báo Cần Thơ