Chiếc áo bà ba

17/07/2020 - 08:51

 - Một đồng nghiệp của tôi từ Hà Nội vào An Giang thực hiện chương trình ca nhạc. Khi các ca sĩ, diễn viên quần chúng xuất hiện trong chiếc áo bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, anh ngẩn ngơ một lúc, rồi thốt lên: “Đẹp quá!”.

Có nghiên cứu cho rằng, áo bà ba xuất hiện đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Hậu Lê. Hoặc áo bà ba xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XIX, được Trương Vĩnh Ký cách tân từ áo của người dân đảo Pénang (người Malaysia gốc Hoa) cho phù hợp với người Việt. Hoặc có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ “áo lá” và “áo xá xẩu” may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây. Nhà văn Sơn Nam thì cho rằng: “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”.

Dù gốc tích thế nào đi chăng nữa, áo bà ba đã trở thành hình ảnh gắn liền với người dân Nam Bộ. Áo thường được thiết kế không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm 2 mảnh, ở giữa có 2 dải cúc chạy dài từ trên xuống.

Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở 2 bên hông, trùm qua mông, gần như bó sát thân làm tôn lên những đường cong của cơ thể người mặc, như một phiên bản ngắn của áo dài. Khoảng trống bên eo đủ níu mắt người nhìn, không phô phang thô tục. Vừa đủ toát lên nét dịu dàng, vừa đủ tiện lợi trong sinh hoạt, làm lụng. Cộng thêm chiếc khăn rằn, nón lá, nụ cười đôn hậu, nét duyên của người miền Nam chẳng thể lẫn vào đâu được.

Áo bà ba giờ được may thành nhiều kiểu dáng hiện đại, với màu sắc và chất liệu khác nhau, cũng được in thêm hoa, họa tiết đủ loại. Mặc với quần lụa, quần thun đen hay cùng chất liệu với áo đều ổn. Một số cuộc thi người đẹp ở khu vực ĐBSCL, áo bà ba được xem là loại trang phục không thể thiếu. Hình thể của người phụ nữ ẩn hiện sau làn áo đầy ý nhị.

Thấy vậy chứ chiếc áo cũng có những “nguyên tắc” riêng khi mặc. Áo may chật, bó sát người thì chẳng còn đẹp nữa. Mà nếu có lỡ áo hơi rộng lại không sao, vì áo bà ba chủ yếu mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc. Cứ tạo dáng tự nhiên thôi, còn ỏng ẹo hơi lố sẽ làm mất đi nét duyên ngầm.

Sau này, anh đồng nghiệp kể lại, phụ nữ Việt Nam gắn liền với hình ảnh dịu dàng, e ấp trong áo dài và áo bà ba. Cái đẹp ấy đã quen thuộc, gắn liền với cuộc đời làm báo, làm nghệ thuật của anh. Thật ra thì, theo dòng thời gian, chiếc áo bà ba không còn là trang phục được sử dụng thường ngày như trước nữa.

Chỉ có một số phụ nữ trung niên, lớn tuổi vẫn còn giữ thói quen mặc. Hoặc trong các khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nhân viên nữ được yêu cầu mặc áo bà ba để tạo điểm nhấn với khách du lịch. Còn lại, đa phần chiếc áo bà ba được dùng để biểu diễn trên sân khấu, chụp ảnh nghệ thuật.

Vậy nên, có khi đang khoác lên người chiếc áo rất mộc mạc, chân phương, người ta giữ nguyên màu tóc nhuộm vàng sáng thời thượng, trang điểm tỉ mẩn. Đẹp thì đẹp đó, nhưng anh không thể cảm nhận được hồn quê của chiếc áo, mãi cho đến khi thấy các cô gái đóng vai quần chúng, mái tóc đen buộc 2 bên ôm lấy gương mặt mộc, hòa quyện cùng bộ bà ba đen và khăn rằn.

Hôm ấy, theo bối cảnh của bài hát “Qua sông”, ca sĩ hóa trang thành cô gái giao liên, đưa bộ đội ra chiến trường. Chúng tôi chọn một đoạn rạch xa trung tâm thành phố, nhạt dần không gian hiện đại. Ê-kíp quay phim đã tính đến việc nhờ người dân hóa trang thành giao liên để chống xuồng trôi nhẹ theo con nước, ca sĩ chỉ việc ngồi ở mũi xuồng hát.

Thật bất ngờ, bạn ca sĩ nhoẻn miệng cười: “Em là gái quê chính gốc, biết chèo xuồng mà!”. Suốt buổi quay, bạn vừa hát, vừa đưa xuồng lướt cả đoạn rạch, động tác tay khớp với từng nhịp nhạc. Chiếc áo bà ba đen nổi bật trên nền trời xanh nhạt, làm sống dậy cả miền ký ức thuở nào, đúng như lời hát “Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ mong manh”. Đóng máy quay, đạo diễn mỉm cười: “Quá xuất sắc!”.

Ê-kíp thực hiện chương trình đã trở về Hà Nội. Những chiếc áo bà ba được xếp ngay ngắn, trả lại nơi cho thuê trang phục. Và chắc sẽ rất lâu nữa, chúng tôi mới mặc lại chúng. Nhưng câu chuyện nhỏ của người bạn phương xa nhắc chúng tôi rằng, chiếc áo truyền thống vẫn ở đó, nét duyên người miền Nam vẫn ở đó. Nhịp sống có thay đổi, có khác nhiều thế nào đi chăng nữa, áo bà ba vẫn đủ sức giữ lại một miền ký ức dung dị, “nói sao cho vừa thương”!

Bài, ảnh: GIA KHÁNH