Chánh điện chùa Cao Dân đang giai đoạn hoàn thành nhờ hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của phật tử
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia diễn ra ngay trong dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmây càng khiến đồng bào Khmer địa phương thêm phấn khởi, háo hức...
Theo Sở VH-TT-DL Cà Mau, toàn tỉnh hiện có 39 di tích lịch sử đã được công nhận (28 di tích cấp tỉnh và 11 di tích lịch sử quốc gia). Trong số di tích cấp quốc gia có chùa Cao Dân. Đây là một trong những ngôi chùa Nam tông Khmer bề thế ở Cà Mau, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 10-2007.
Cũng như nhiều ngôi chùa Nam tông Khmer khác tại Cà Mau, chùa Cao Dân là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng tôn giáo của người Kinh và Khmer quanh vùng. Đây cũng là ngôi chùa có truyền thống cách mạng lâu đời, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến. Rất nhiều vị sư ở chùa Cao Dân đã trưởng thành trong cách mạng, không ít trong số đó trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, tiêu biểu là cố Đại đức Hữu Nhem - người từng trụ trì chùa Cao Dân (viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ), từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ. Với vai trò được giao, cố Đại đức Hữu Nhem đã tích cực vận động các nhà sư, ban quản trị các chùa và đông đảo đồng bào dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ở địa phương tham gia kháng chiến, ủng hộ sức người, sức của cho cách mạng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, thời gian qua, Ban Quản trị chùa Cao Dân cùng chư tăng, phật tử trong vùng luôn đoàn kết, chung tay mật thiết cùng chính quyền sở tại ra sức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích để chùa không chỉ là biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc mà còn là điểm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa cộng đồng, tạo niềm tin vững chắc trong lòng bà con đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước trong thời kỳ hội nhập, đổi mới.
Tháp thờ cố Đại đức Hữu Nhem trong khuôn viên chùa Cao Dân.
Theo HỮU TÙNG (Nhân dân)