Ngày 1/7, đông đảo người dân về viếng và dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, ở xã An Đức, huyện Ba Tri
Sống trong hoàn cảnh lịch sử xã hội ở cuối thế kỷ XIX, tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ quan điểm Nho giáo. Chính trong cơn thử thách của lịch sử cũng như tiếp thu được quan điểm và lập trường nhân dân đã giúp ông có cái nhìn tiến bộ, đại diện cho tiếng nói của toàn thể nhân dân, nhất là người Nam Bộ để đấu tranh chống giặc cứu nước và đòi lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc.
Tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc đã đưa Nguyễn Đình Chiểu trở nên gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân Nam Bộ. Mặc dù bản thân mù lòa nhưng ông đã dùng ngòi bút làm vũ khí sắc bén để chống giặc đến cùng. Vì thế, sau khi bình định được lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp biết ông là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với quần chúng nhân dân nên chúng đã tìm mọi cách để dụ dỗ, mua chuộc nhưng bản thân ông nhất quyết và thẳng thừng khước từ mọi ân sủng của chính quyền thực dân phong kiến dành cho mình. “Thà đui mà giữ đạo nhà. Còn hơn có mắt ông cha không thờ. Thà đui mà khỏi danh nhơ. Còn hơn có mắt ăn dơ tanh rình. Thà đui mà đặng trọn mình. Còn hơn có mắt đổi hình tóc râu”.
Như vậy, chính mảnh đất Nam Bộ giàu truyền thống cùng với một thời đại đầy biến động ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đã hun đúc nên phẩm chất và khí chất cao đẹp ở con người Nguyễn Đình Chiểu. Phẩm chất trong sáng, cao đẹp ấy đã hình thành ở ông một nhân cách lớn, nhà thơ, nhà văn hóa lớn tiêu biểu cho con người Nam Bộ và của dân tộc. Bằng cuộc đời và sự nghiệp của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần xứng đáng cho cuộc sống văn hóa dân tộc trải qua thử thách nghiệt ngã được bảo tồn và phát triển. Sống trong tình thương và sự kính trọng của nhân dân, những người làm nên lịch sử và sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Chiểu mãi mãi là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa chân chính của nhân dân.
Ngày 1/7, đông đảo người dân về viếng và dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, ở xã An Đức, huyện Ba Tri
Dù ở giai đoạn trước hay sau khi thực dân Pháp xâm lược thì cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu luôn toát lên một lối sống chuẩn mực, phẩm chất, nhân cách thật cao quý và đầy nhân văn. Hai tác phẩm lớn “Lục Vân Tiên” và “Ngư Tiều y thuật vấn đáp”, được xem như bản tự truyện về chính cuộc đời của ông. Bởi thông qua hình tượng hai nhân vật Lục Vân Tiên và Kì Nhân Sư đều là hiện thân cho con người, cuộc đời đầy sóng gió của Nguyễn Đình Chiểu khi còn trẻ và cả đến lúc về già.
Điều đáng nói ở đây là hai hình tượng nhân vật này đều có sự thống nhất giữa nhân cách trong sáng, cao đẹp và mang tư tưởng nhân nghĩa, tiết tháo, trọng nghĩa khinh tài hết sức cao đẹp, dốc cả tấm lòng vì đời, vì người. Vẻ đẹp của Nguyễn Đình Chiểu cũng chính là tiêu biểu cho nhân cách, phẩm chất cao đẹp của văn hóa, con người Nam Bộ lúc bấy giờ.
Những giá trị văn hóa, nhân văn đi cùng năm tháng và vượt tầm của cộng đồng, quốc gia, dân tộc đã góp vào di sản văn hóa chung của nhân loại. Điều đó, đã được UNESCO khẳng định, qua bài phát biểu của ngài Christian Manhart- Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong lễ kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: “Triết lý về con người, về hòa bình, tình yêu cũng như lòng khoan dung, lòng yêu nước của ông hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của UNESCO. Ông cũng là nhà giáo xuất sắc có những cống hiến to lớn trong thời đại mình và đây cũng là sứ mệnh của UNESCO- sứ mệnh giáo dục. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn là thầy thuốc vĩ đại với tầm nhìn sâu rộng trong việc chữa bệnh cứu người. Hơn thế nữa, ông còn là niềm hy vọng lớn lao cho những người khuyết tật bởi ông đã đạt được những thành công kể trên ngay cả khi ông đã mù. Rõ ràng câu chuyện cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu không chỉ là nguồn cảm hứng cho người Việt Nam mà còn với cả nhân loại”.
Và mong muốn của UNESCO là đề cao tôn vinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, là cơ hội để những giá trị văn hóa này lan tỏa ra cộng đồng quốc tế.
Theo Báo Vĩnh Long