Khác với nhiều nghệ nhân tôi đã gặp, đa phần phải bôn ba dùng nghề mình đam mê để làm kế sinh nhai, với nghệ nhân Nguyễn Văn Thắng, sự an nhàn trong cuộc sống từ nhỏ đã làm cho niềm đam mê ấy được thực hiện một cách dễ dàng, nhưng cũng mãnh liệt không kém bất kỳ nghệ nhân tài tử nào.
Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, có rất nhiều ruộng đất, lại là con út, nên từ nhỏ được cưng chiều. Ba ông lại rất mê tài tử, đờn rất sỏi hai cây tranh và đờn cò. Vì thế, ông sẵn sàng rước thầy về nhà dạy cho các con mình. Vậy là 2 người anh của ông cùng với ông được học. Lúc đầu là ba dạy, sau đó là học bài bản, chuyên sâu hơn. Ông nhớ lại: “Hồi đó, học một bài bản tài tử tốn hơn 10 giạ lúa lận đó. Mà phải nuôi thầy ở nhà suốt thời gian mình học. Có lẽ nghe ba đờn riết thành ra mê. Rồi được thầy nắm vững bài bản tài tử truyền nghề nhiệt tâm, với lại tôi cũng mê nữa, nên cũng tìm hiểu và nghiên cứu, sáng tạo trong cách đờn sao cho ngọt, cho hay, mang dấu ấn của riêng mình”.
Cuộc sống cứ bình lặng trôi cùng với niềm đam mê, am hiểu tài tử ngày càng lớn, trở thành máu thịt và ông đã tự hứa là sẽ gắn bó với nó cả đời. Muốn vậy, phải biết thật nhiều, thật sâu các bài bản tài tử để có thể thả hồn, cảm xúc vào từng bản đờn. Với quan niệm biết phải đến nơi, đến chốn. Đã đờn thì ai hát bài nào mình phải đờn cho được, không thì quê lắm, nên ông dày công rèn luyện. Thời đó nhà có ruộng đất nhiều, ông cũng tham gia làm lụng cùng gia đình, hễ rảnh là ôm đờn luyện ngón cho nhuyễn, sắc, rồi vác cây đờn lên vai tìm những người bạn tri âm để cùng đờn, hát cho thỏa chí. Đến lúc lập gia đình, phải xây dựng mái ấm riêng, nhưng niềm đam mê ấy chưa bao giờ phai nhạt. Dù phải vất vả hơn để lo toan cuộc sống, chăm chút cho các con ăn học nên người, nhưng những lúc rảnh là ông lại tìm niềm vui bên cây đờn kìm. Ông nói, ba ông đờn cò, đờn tranh, mấy ông anh cũng biết đờn tranh và đờn kìm. Còn ông, chỉ muốn gắn bó với cây đờn kìm, bởi ông có được cảm xúc thăng hoa với những âm thanh trầm bổng, đi vào lòng người của cây đờn này.
Không chỉ rèn luyện ngón đờn cho hay để thỏa niềm đam mê, ông rất tích cực tham gia vào phong trào văn nghệ của địa phương. Các cuộc thi tài tử chưa bao giờ vắng mặt ông. Ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về đờn ca tài tử do tỉnh tổ chức để được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân, để tự rút ra cho mình điều hay để tiếp tục rèn luyện ngón đờn. Ông còn tập hợp những người có cùng đam mê để tạo sân chơi vào những dịp nông nhàn. Vậy là CLB Đờn ca tài tử Út Thắng - mang tên của ông, ra đời chính thức cách nay gần 1 năm với 15 thành viên. Trong CLB, nghệ nhân đờn, ca tương đối đồng đều. Đây chính là điều kiện cần và đủ để CLB có thể phát triển. Bởi thực tế, phần lớn các CLB ở Hậu Giang rất nhiều người ca, nhưng ít người đờn. Biết rõ bài bản tài tử lại càng hiếm hơn…
Nói là mới ra đời, nhưng hàng chục năm nay, ở nhà ông vẫn là nơi sinh hoạt thường xuyên của các nghệ nhân đờn ca tài tử trong xã và đón nhận rất nhiều các nghệ nhân ở các nơi trong tỉnh đến giao lưu. Ông cũng đi đến rất nhiều các CLB đôn ca tài tử trong và ngoài tỉnh. Với ông, được đi nhiều, giới thiệu nghệ thuật độc đáo của dân tộc đến với mọi người, được gặp gỡ, kết bạn với những người có cùng niềm đam mê chính là hạnh phúc thứ hai của ông, sau hạnh phúc viên mãn của một gia đình có con cái thành đạt. Ông đã toại nguyện với những phấn đấu cho hai mục tiêu này trong cuộc đời mình. Giờ, ngoài 60 tuổi, ông tâm huyết sẽ duy trì và giữ lửa cho CLB đôn ca tài tử để chia sẻ kinh nghiệm, truyền nghề cho những ai đam mê, với mong muốn góp chút sức bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử.
Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)