Nhờ chuyển đổi từ thủ công sang áp dụng máy móc trong sản xuất chiếu nên gia đình chị Nguyễn Thu Hà thu được lợi nhuận cao hơn. Ảnh: Phương Nghi
Những ngày này, làng chiếu Định Yên tất bật vào mùa dệt chiếu Tết, rộn rã hẳn bởi âm thanh vang vọng của những khung dệt thô sơ bằng gỗ cho đến chiếc máy dệt chiếu tự động. Bà Trần Thị Cẩm, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lấp Vò cho biết: Làng chiếu Định Yên hiện có 620 máy dệt chiếu, 62 máy may bìa chiếu, 2 máy se chỉ, 2 máy lau bóng sản phẩm với 431 hộ dân sinh sống bằng nghề dệt chiếu. Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 1,3 triệu chiếc chiếu các loại, với tổng doanh thu khoảng 80 tỉ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 3.800 hộ dân sản xuất, buôn bán, dịch vụ. Ngoài những hộ dệt truyền thống bằng khung dệt, tại làng chiếu Định Yên đã thành lập được một hợp tác xã và 3 tổ hợp sản xuất, tiêu thụ chiếu, thu hút gần chục nghìn lao động nhàn rỗi ở địa phương và những vùng lân cận có việc làm cho thu nhập ổn định.
Đến với làng chiếu Định Yên, chúng tôi mới biết nghề dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là truyền thống đang được người dân ở đây bảo tồn, phát huy. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền thì trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm, thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn.
Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền.
Bà Trần Thị Dính, ở ấp An Lợi, ở xã Định Yên đã có thâm niên trên 50 năm dệt chiếu và là một trong số ít những người ở làng chiếu Định Yên hiện còn dệt chiếu thủ công. Bà cho biết: “Chiếu Định Yên nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với người tiêu dùng nên hằng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Một ngày làm chăm chỉ, thợ chiếu có thể dệt được từ 2 – 3 đôi, tùy theo loại chiếu, chiếu trắng hay chiếu màu và độ dày hay mỏng, giá bán từ 120.000 – 180.000 đồng/đôi, mỗi tháng một người thu nhập từ 2,2 – 2,5 triệu đồng”.
Giờ đây, tại làng chiếu Định Yên, cảnh người ngồi đan chiếu không còn nhiều, thay vào đó là máy móc, công nghệ tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra ngày một nhiều, sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng so với dệt truyền thống không thua kém là mấy. Nhờ cơ giới hóa nên thu nhập của người dệt chiếu tăng lên đáng kể. Trung bình 1 người làm được 10 chiếc chiếu/ngày, thu nhập từ 130.000 – 150.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thu Hà, ở ấp An Khương, xã Định Yên cho biết: Trước đây, làm thủ công, 2 người chỉ làm 5 – 6 chiếc chiếu/ngày nên thu nhập thấp phải chuyển đổi phương thức sản xuất. 4 năm qua, chị được hỗ trợ vay vốn mua máy dệt nên ngoài việc đồng áng, thời gian rảnh rỗi là chị dệt chiếu. Theo chị Hà, dệt máy vừa nhanh, vừa cho ra nhiều sản phẩm hơn, buổi tối cũng có thể dệt, rất tiện lợi. Bên cạnh đó, khi có hợp tác xã và tổ hợp tác dệt chiếu, người dân yên tâm hơn do không phải ra chợ bán chiếu lẻ như trước đây, sản phẩm chiếu được giao cho hợp tác xã bán. “Để đầu ra ổn định, người dệt chiếu nơi đây đều tâm huyết trong mọi quá trình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm bền, đẹp, mẫu mã đa dạng, hình thức bắt mắt” – Chị Hà nói.
Ông Phan Văn Bé Tư, Chủ nhiệm Hợp tác xã chiếu Thanh Bình có quy mô lớn nhất ở Định Yên cho biết thêm: Trước đây, chiếu Định Yên chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, chiếu Định Yên còn có mặt tại thị trường Campuchia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)... Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất của người dân trong làng nghề ngày càng phát triển.
Theo bà Trương Thị Diệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò: “Để bảo tồn, phát huy giá trị để làng nghề phát triển trong điều kiện mới, làng chiếu Định Yên tập trung xây dựng kế hoạch khôi phục phiên chợ chiếu đêm, gắn với xây dựng tour – tuyến, đưa khách du lịch tham quan làng nghề làm chiếu thủ công nhằm quảng bá thương hiệu chiếu Định Yên; đồng thời có các chính sách phù hợp để hỗ trợ làng nghề phát triển...”.
Mùa Xuân mới sắp đến gần, bằng sức sống và nội lực từ chính đôi bàn tay tài hoa khéo léo của mình, người dân làng chiếu Định Yên đang chung tay, góp sức đưa làng nghề truyền thống sang trang mới và trở thành địa chỉ của những sản phẩm độc đáo.
Theo PHƯƠNG NGHI (Biên Phòng)