Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng: Giữ gìn giá trị văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer

17/02/2025 - 09:58

Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng là nơi có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi như: ca, múa, nhạc, hát dù kê, rô băm, nhạc ngũ âm… Các hoạt động này không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của người dân trong và ngoài tỉnh mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật của đồng bào Khmer.

Những giai điệu truyền thống

Có dịp đến thăm Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng vào những ngày chuẩn bị cho các chương trình biểu diễn, chúng tôi thấy không khí tập luyện nơi đây rất khẩn trương, nghiêm túc. Từ lãnh đạo đoàn đến các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, hậu trường, ai cũng hết mình cho các tiết mục nghệ thuật. Tiếng nhạc ngũ âm đặc trưng hòa quyện với những điệu múa uyển chuyển đã trở thành biểu tượng sống động của tinh hoa văn hóa Khmer. Mỗi tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, chu đáo nhằm chuyển tải thông tin thiết thực về ý nghĩa để phục vụ bà con trong tỉnh vào mùa khô.

Tiết mục văn nghệ phục vụ tại khai mạc Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I năm 2024. Ảnh: THẠCH PÍCH

Đồng chí Lưu Thanh Hùng - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ bà con, mà còn góp phần bảo tồn và truyền dạy, phát huy những giá trị nghệ thuật quý báu của cha ông. Thời gian qua, đoàn đã mở các lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu rô băm, nhạc ngũ âm và múa rom vong, thu hút hàng trăm học viên theo học. Đó là một tín hiệu đáng mừng đối với lĩnh vực nghệ thuật truyền thống của dân tộc”.

Nơi gắn kết cộng đồng

Hằng năm, những ngày diễn ra các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của tỉnh và đặc biệt là các dịp lễ, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn Ta cổ truyền, lễ cầu an… của đồng bào Khmer luôn thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức. Ông Sơn Ríthi, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) chia sẻ: “Mỗi lần Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng đến lưu diễn vào mùa khô tại lễ cầu an, bà con trong xóm ai ai cũng vui như mở hội. Có thể nói, mỗi chương trình phục vụ của đoàn, tôi được sống lại những ký ức đẹp của tuổi thơ, của những ngày hội vùng quê rộn ràng và đoàn kết”.

Một vở diễn dù kê của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng. Ảnh: THẠCH PÍCH

Trong năm 2024, đoàn đã tích cực triển khai thực hiện các mặt công tác, như: xây dựng 2 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc tổng hợp biểu diễn phục vụ tết Chôl Chnăm Thmây; 3 chương trình biểu diễn phục vụ nhân dân trong mùa khô; xây dựng 1 chương trình nghệ thuật ca múa nhạc biểu diễn phục vụ “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” 19/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội... Ngoài ra, còn phân công các viên chức thực hiện công tác giảng dạy lớp truyền dạy nghệ thuật múa rô băm, nhạc ngũ âm tại các chùa. Đặc biệt, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã xây dựng chương trình nghệ thuật tham dự Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc - 2024 (đợt 2), tại Bình Dương, với kết quả đạt được 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương bạc giải chương trình.

Gìn giữ và phát huy

Thời gian qua, Ban Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, giúp cho Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng chí Lưu Thanh Hùng cho biết thêm: “Năm qua, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã tổ chức triển khai hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, đạt 29 suất diễn; tổ chức phục vụ nhân dân trong mùa khô tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào Khmer được 48 suất, thu hút trên 48.000 lượt người đến xem. Đây là tín hiệu vui cho sự nỗ lực rất lớn của tập thể diễn viên của đoàn. Trong thời gian tới, đoàn tiếp tục tổ chức luyện tập, xây dựng chương trình nghệ thuật mới; ôn luyện cải tiến nâng cao chất lượng nghệ thuật các tiết mục, chương trình nghệ thuật để phục vụ nhiệm vụ chính trị, khách tham quan du lịch và ra quân hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhân dân mùa khô vùng sâu, vùng xa năm 2025; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng…”.

Với sự cống hiến không mệt mỏi của các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh không chỉ là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn là biểu tượng của sức sống mãnh liệt và niềm tự hào dân tộc. Họ đang góp phần quan trọng vào việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa Khmer trong lòng xã hội hiện đại. Những hình ảnh các nghệ sĩ Khmer miệt mài trong từng điệu múa, từng lời ca là minh chứng rõ ràng nhất cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc, như một “ngọn lửa” không bao giờ tắt giữa dòng chảy của thời gian.

Theo Báo Sóc Trăng