Tác phẩm này được trao giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng huyện Gò Công Đông năm 2023 và được xét chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XV (2022 - 2023)
Tuấn Khang cho biết, ở quê em, cây bắp được trồng xen canh với cây lúa và cây rau màu khác ngày càng phổ biến. Sau khi thu hoạch, thân, lá và vỏ trái cây bắp (vỏ còn sống) được nông dân sử dụng làm thức ăn cho gia súc, riêng trái bắp nấu chín được xem là món ăn vặt ưa thích của nhiều người (được cung cấp bởi những người bán dạo), kéo theo vỏ bắp cũng được vứt bỏ ven đường ngày càng nhiều, làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường. Từ đó, em nảy sinh ý tưởng và cùng bạn Thiện Nhân nghiên cứu sử dụng vỏ trái bắp (đã nấu chín) để sáng tạo ra bộ tranh về thiên nhiên, về quê hương Gò Công và đặt tên là “Hương sen xứ Gò”.
Tuấn Khang và Thiện Nhân đang tạo hình cho bức tranh.
Để tạo ra tác phẩm, 2 em sử dụng các chất liệu có sẵn, phổ biến như: Vỏ bắp, râu bắp, lục bình, ván ép, keo sữa; trong đó, vỏ bắp là chất liệu chủ đạo để tạo nên bức tranh. Bộ tranh “Hương sen xứ Gò” gồm một tấm tạo hình hoa sen, biểu trưng của “Quốc hoa” và một tấm tái hiện “Lăng Hoàng gia” (tọa lạc xã Long Hưng, TX. Gò Công), được xây dựng từ năm 1826, là nơi yên nghỉ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (ông ngoại vua Tự Đức và là thân sinh của Từ Dũ Thái Hậu, vợ Vua Thiệu Trị).
Để tạo ra tấm tranh hoa sen, đầu tiên 2 em phác họa bố cục lên bề mặt tấm ván ép. Sau khi chỉnh sửa ưng ý, 2 em dùng vỏ bắp đã phơi khô, cắt định hình và dùng keo sữa để dán lên hình vẽ đã được phác họa. Để tạo những gam màu đậm, nhạt cho cánh sen, lá sen cùng một số chi tiết khác (nụ sen, cánh chuồn…), vỏ bắp sau khi rửa sạch được phơi nắng từ 5 - 7 ngày để tạo màu vàng nhạt (muốn màu sậm thì phơi lâu hơn); sợi lục bình khô được sử dụng làm thân sen; đặc biệt, râu bắp được sử dụng để trang trí búp sen và nhụy sen. Sau khi ghép, tạo hình hoàn chỉnh, bề mặt bức tranh được phủ chất keo chống ẩm, mốc nhằm giúp bảo quản được lâu.
Với cách làm tương tự, 2 em cũng đã tái hiện “Lăng Hoàng gia” qua tấm tranh từ chất liệu vỏ bắp và lục bình với bố cục từ cổng đi vào trông rất hài hòa, trang nghiêm.
Theo Tuấn Khang và Thiện Nhân, để hoàn chỉnh bộ tranh trên, 2 em phải làm việc cật lực gần 2 tháng với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn. Để giúp cho các chi tiết được sắc sảo, 2 em phải tuyển chọn vỏ của những trái bắp không bị sâu, dị tật; đồng thời, vỏ bắp sau khi phơi khô được cho vào máy cán thật phẳng nhằm đảm bảo bám dính tốt khi dán lên bề mặt dán ép…
Thầy Nguyễn Quang Khải, giáo viên hướng dẫn 2 em Tuấn Khang và Thiện Nhân thực hiện bộ tranh trên cho biết, tranh làm từ vỏ bắp là tác phẩm tranh đặc biệt do sử dụng chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Để tạo ra tác phẩm sắc sảo với bố cục hợp lý, đòi hỏi tác giả phải có sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; đặc biệt là sự khéo léo, tỉ mỉ cộng với năng khiếu về hội họa. Bộ tranh trên đã đặc tả về một loài hoa thanh khiết mà tác giả muốn gửi gắm đến các bạn trẻ trên bước đường lập thân, lập nghiệp; đồng thời, qua đó, giúp giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa của địa phương. Do đó, bộ tranh này có thể được sử dụng làm đồ dùng dạy học, trưng bày tại các trường học kết hợp giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Tiền Giang với du khách, nhất là tại các khu du lịch sinh thái của tỉnh.
Theo HUỲNH VĂN XĨ (Báo Ấp Bắc)