Trong đó, các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Hoa và Khmer phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Biểu diễn lân - sư - rồng của đồng bào người Hoa trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: H.T
Đón Tết Nguyên đán cầu phúc lộc
Đối với cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu, Tết Nguyên đán có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tết không chỉ là dịp sum họp gia đình, vui chơi sau một năm lao động vất vả, mà còn là tết của tình yêu thương và giữ gìn văn hóa truyền thống.
Một trong những nét văn hóa ấy, ngoài việc trang trí nhà cửa với gam màu đỏ và vàng, treo nhiều hình về thần Tài, chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ…, cộng đồng người Hoa Bạc Liêu còn giữ cho mình một mỹ tục: làm bánh tết - nét đẹp văn hóa thể hiện sự đảm đang của người phụ nữ.
Có rất nhiều món bánh được làm trong ngày tết của người Hoa, song nhất định không thể thiếu món bánh tổ và bánh đỏ (àn cúi). Sở dĩ người Hoa quan tâm đến hai món bánh này vì nó gắn liền với văn hóa phồn thực và được mang sang từ Trung Quốc.
Món bánh tổ được làm bằng bột gạo nếp trộn với đường mía, sau đó được đem hấp và rắc mè, nền bánh được in hình chữ Phúc hoặc chữ Lộc, chữ Thọ mang ý nghĩa cho một năm mới tốt lành… Món bánh này vừa có thể ăn sau khi hấp, hoặc có thể để cả tuần và cắt ra đem chiên với trứng gà. Do được làm bằng bột gạo nếp nên bánh mang ý nghĩa nhớ về tổ tiên, nguồn cội. Bánh tổ thường được cúng trong mâm cơm rước ông bà vào ngày 30 tết.
Còn món bánh đỏ (tiếng Triều Châu gọi là àn thò cúi - bánh thọ đỏ). Món bánh mặn được làm từ nhiều nguyên liệu, vỏ bánh là bột gạo nếp, nhân bánh gồm: lạp xưởng, thịt heo, đậu phộng, nấm đông cô, ngò, khoai môn… Còn bánh chay thì nhân bánh chỉ có nếp và đậu phộng cùng ngò rí. Bánh có màu đỏ, thân bánh hình lá liễu hoặc trái đào cách điệu và trên nền bánh in hình chữ Thọ. Bánh mang ý nghĩa cát tường, trường thọ và trở thành thứ bánh thiêng của cộng đồng người Hoa. Gần như các lễ hội truyền thống của người Hoa đều phải có bánh này.
Chè trôi nước và bánh đỏ của người Hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: L.D
Một món bánh khác cũng không thể thiếu của cộng đồng người Hoa trong dịp tết là món bánh trôi nước hay còn gọi là chè trôi nước (được làm trong đêm 30 tết để cúng ông bà đón giao thừa). Nếu như ngày thường, chè trôi nước được làm bằng bột trắng, nhân đậu xanh màu vàng, thì chè trôi nước làm cúng đón giao thừa lại được trộn màu đỏ. Viên trôi nước màu đỏ, nhân vàng mang ý nghĩa may mắn, sự viên mãn.
Tuy là những món bánh đơn sơ trong ngày tết, nhưng đã phản ánh sinh động khát vọng phồn thực và mong muốn cát tường của đồng bào người Hoa.
Lễ cúng trăng (Oóc-om-bóc) ở chùa Đìa Muồng (huyện Phước Long). Ảnh: L.D
Ngắm trăng sáng, ăn cốm dẹp
Nếu như cộng đồng người Hoa xem Tết Nguyên đán là lễ lớn trong năm, thì đối với đồng bào dân tộc Khmer, lễ hội cúng trăng vào ngày rằm tháng 10 hàng năm là lễ hội dân gian đặc sắc nhất.
Xuất phát từ sản xuất nông nghiệp và thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa, nên đồng bào dân tộc Khmer có tín ngưỡng thờ thần Nước, đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa và lễ hội truyền thống của đồng bào.
Đơn cử như lễ mừng năm mới (Chôl-chnăm-thmây) vào ngày thứ 3 của năm mới có tục tắm tượng Phật, tắm cho các vị sư và tắm cho ông bà, cha mẹ trong gia đình. Hay khi chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới, cầu cho gia đình bình an, sản xuất thuận mùa… cũng cần đến nước. Thậm chí đến ngày cuối cùng của đời người, cũng thông qua lễ rắc nước để thân thể, linh hồn được gột rửa, về với đức Phật…
Xuất phát từ tín ngưỡng tôn bái thần Nước, nên bà con dân tộc Khmer tổ chức lễ cúng trăng (vì mặt trăng có liên quan đến sự lên, xuống của thủy triều). Một trong những điểm đặc sắc của lễ hội này là cùng với tổ chức cúng trăng, còn có tục rước thần Nước, thả hoa đăng và đua ghe Ngo. Trong lễ cúng trăng (Oóc-om-bóc), có lễ đút cốm dẹp, sau khi cúng trăng, chủ lễ sẽ gọi các trẻ nhỏ lên đút cốm dẹp và vỗ nhẹ sau lưng rồi hỏi: Cháu có ước muốn gì? Các em nhỏ sẽ thể hiện ước mơ của mình như: học tập tốt, sản xuất trúng mùa, gia đình hạnh phúc…
Có thể nói, cốm dẹp là một trong những đặc sản của đồng bào dân tộc Khmer. Để có món cốm dẹp ngon phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu lựa nếp, rang nếp, giã nếp bằng cối và sàng sảy cho hết vỏ trấu. Muốn có cốm dẹp ngon, lửa không quá già cũng không quá non, nếp phải ngâm đủ nước nhưng không quá nhiều sẽ làm cho hạt cốm bị nhão. Đặc biệt, phải rang nếp bằng nồi đất và rang đều tay để tất cả các hạt nếp chín và nở đều. Sau đó, hạt nếp được đưa vào cối đá hoặc cối cây để giã bằng chày một cách nhịp nhàng, vừa đủ mạnh nhưng không làm nát hạt nếp. Nếp sau khi giã xong thành cốm và được trộn với nước đường, dừa non tạo nên một món ăn hấp dẫn, dành cúng lễ Oóc-om-bóc.
Những lễ hội dân gian trên sẽ góp phần quan trọng vào việc khai thác các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch lễ hội; cũng như làm phong phú thêm nghệ thuật ẩm thực từ các món ăn mang đậm tính truyền thống. Và chắc chắn, sẽ tạo nên sự thích thú cho du khách khi tham quan, trải nghiệm.
Theo Báo Bạc Liêu