Nhà nuôi chim yến được xây dựng đầu tiên, cách nay hàng chục năm ở thị trấn Định An (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: H.TÂN
Nhà yến tăng chóng mặt
Cách nay hơn 15 năm, gia đình chị Trần Tú Hồng, ở phường An Bình (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương “tập tành” nuôi chim yến. Chị kể lại: “Thời điểm đó, chim yến xuất hiện nhiều ở thành phố Rạch Giá nên chị bắt đầu tìm hiểu về loài chim này. Sau đó, gia đình quyết định chuyển căn nhà mới xây 1 trệt 1 lầu dự định làm nơi nuôi gà, sang nuôi chim yến. Trong 2 tháng đầu chỉ có 2 con chim yến về ở, nhưng sau đó đàn yến cứ tăng dần và khoảng hơn 1 năm là có tổ yến để thu hoạch…”.
“Lần đầu tiên bán chỉ có nửa ký yến thô mà được tới 20 triệu đồng; nếu so với nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình thì phải bán rất nhiều thùng mới thu về số tiền như vậy. Chính nghề nuôi yến mang lại hiệu quả cao nên sau đó gia đình mở rộng quy mô sản xuất. Từ năm 2016-2018, bình quân mỗi đợt thu hoạch được hơn 15kg yến thô, bỏ túi trên dưới khoảng 300 triệu đồng…”, chị Hồng bộc bạch.
Thấy nhiều người nuôi yến có hiệu quả kinh tế cao nên chị Nguyễn Thị Thái Bình, ở phường Vĩnh Lạc (thành phố Rạch Giá) làm theo. Chị Bình cho biết: “Nghề nuôi chim yến thịnh hành nên gia đình chuyển một phần nhà nghỉ và nhà ở sang nuôi chúng. Đến lúc có nguồn thu khá thì đầu tư làm nhà yến mới ở ngoại ô thành phố Rạch Giá, đảm bảo các tiêu chuẩn, nhằm phát triển lâu dài. Đến nay, gia đình có 5 nhà yến, nguồn thu ổn định cuộc sống…”. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, từ những nhà yến ban đầu khoảng năm 2003, đến nay toàn tỉnh có gần 3.000 nhà nuôi chim yến (nhiều nhất cả nước); sản lượng năm 2022 khoảng 17,5 tấn, giá bán tổ yến thô từ 15-25 triệu đồng/kg; yến sào làm sạch, đóng hộp từ 30-35 triệu đồng/kg; thu về 300-350 tỉ đồng mỗi năm.
Từ nghề nuôi chim yến tại Kiên Giang “ăn nên làm ra”, được ví như nghề “hái lộc trời”, do đó nhiều nơi khác học hỏi làm theo. Ông Nguyễn Văn Ba, ở huyện Châu Phú (tỉnh An Giang), tâm sự: “Cách nay hơn 5 năm có người quen rủ đi học kinh nghiệm nuôi chim yến, bởi khu vực này có nguồn thức ăn nhiều nên tôi làm theo. Khi về, tôi thuê thợ cơi nới căn nhà đang ở cao lên và thiết kế khu vực dẫn dụ chim yến. Qua mấy năm nuôi, thấy nghề này “sống được” nên tôi đầu tư thêm 2 nhà yến nữa; mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng”. Cùng với huyện Châu Phú thì nhiều hộ ở huyện Thoại Sơn, thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc… cũng phát triển nuôi chim yến; ước tính toàn tỉnh An Giang có hơn 1.200 nhà nuôi chim yến.
Ở huyện biển Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, nhiều người cũng nuôi chim yến. Ông Trang Văn Ngào, Chủ tịch UBND thị trấn Định An cho hay, cách nay hơn 10 năm hộ ông Lý Văn Hạnh là người nuôi chim yến đầu tiên. Bình quân mỗi đợt thu hoạch khoảng 2kg yến thô, bán được vài chục triệu đồng. Từ hiệu quả trên, một số hộ khác cũng nhảy vào nuôi chim yến…
Về vấn đề hiện tại, ông Lý Minh Hoàng, ở thành phố Rạch Giá, cho hay: “Sau khoảng 15-20 năm bùng nổ nghề nuôi chim yến ở Kiên Giang thì nay nghề này có dấu hiệu “bão hòa” và đi xuống. Nếu như trước đây nhà yến ít nên số lượng yến về đông, từ đó cho tổ yến nhiều, mang về nguồn thu lớn. Nay nhà yến quá nhiều, trong khi đàn yến sinh sôi không kịp tốc độ xây nhà mới; ngoài ra nhiều đàn yến chết đi do già, do thiên tai, mưa bão, nạn săn bắt tràn lan, cộng với môi trường bị tác động, thiếu thức ăn… nên số lượng đàn giảm là hiển nhiên”. Trước đây các nhà yến mỗi năm thu hoạch từ 3-4 đợt thì nay giảm xuống còn khoảng 2 đợt. Ngoài ra, tổ yến cũng bị nhỏ hơn trước và số lượng tổ giảm từ 30% trở lên so với năm 2022. Mặt khác, giá yến thô trên thị trường cũng giảm xuống còn 14-15 triệu đồng/kg...
Chế biến yến sào ở tỉnh Kiên Giang phục vụ nhu cầu tiêu thụ các nơi. Ảnh: H.TÂN
Gian nan quản lý
Có thể thấy, nghề nuôi chim yến ở ĐBSCL phát triển nhanh trong những năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” không theo quy hoạch, không theo định hướng, chủ yếu là người dân tự cơi nới thêm tầng từ nhà ở làm nhà nuôi chim yến trong khu đông dân cư, khu đô thị… đã bộc lộ nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh; tiếng ồn ảnh hưởng đời sống và sinh hoạt của người dân.
Trước thực trạng trên, HĐND các tỉnh ĐBSCL đã ban hành nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho biết, nghề nuôi chim yến ở tỉnh bắt đầu từ năm 2004 và phát triển nhanh, đến nay tỉnh có hơn 1.500 nhà nuôi chim yến. Để tăng cường quản lý nghề này, vào năm 2022, HĐND tỉnh Bạc Liêu có nghị quyết về “Quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh”. Phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kết hợp với Thanh tra của Sở NN&PTNT, cùng các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra các cơ sở nuôi chim yến. Qua đó, phát hiện và nhắc nhở nhiều hộ nuôi vi phạm quy định về phát loa dẫn dụ quá giờ, gây tiếng ồn; yêu cầu chủ hộ cam kết chấn chỉnh. Ngoài ra, tăng cường quản lý việc xây mới nhà yến. Cụ thể, những trường hợp nhà yến đã hoạt động trước đây thì giữ nguyên trạng, không được cơi nới; về lâu dài có hướng di dời nhà yến ra khỏi khu vực nội thành, khu dân cư; đối với nhà yến mới tuyệt đối không cho xây trong khu đô thị, khu đông dân cư…
Tại thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: “Việc nuôi chim yến thời gian qua mang tính tự phát; do đó khi HĐND thành phố có nghị quyết quy định khu vực không được nuôi chim yến thì công tác quản lý được tăng cường. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ không khuyến cáo nuôi chim yến, không quy hoạch phát triển nghề này bởi không là thế mạnh của địa phương”.
Ngày 10-3-2021, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến. Theo đó quy định, tất cả các khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư, cụm dân cư, khu công trình công cộng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã công bố quy hoạch, trên toàn địa bàn tỉnh đều bị cấm chăn nuôi yến. Ngoài ra, nhiều nơi trên toàn địa bàn tỉnh cũng bị cấm nuôi chim yến và được quy định từng đoạn đường, khu vực cụ thể. Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến, đảm bảo các điều kiện chăn nuôi theo quy định. Nghị quyết này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Theo ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, vào tháng 8-2022, HĐND tỉnh đã có nghị quyết liên quan đến việc nuôi chim yến. Song, thực tế cơ quan chức năng mỗi khi kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn bởi các hộ nuôi đa phần là tư nhân, họ thường hay hẹn lần này, lần khác hoặc không muốn cho người lạ vào nhà yến vì ngại ảnh hưởng đàn yến. Do đó, mỗi khi kiểm tra phải mất nhiều thời gian, công sức. Đối với tiếng ồn trong khu dân cư thì giao cho chính quyền địa phương kiểm tra nhắc nhở và xử lý nếu vi phạm. “Biện pháp khả thi nhất hiện nay là siết chặt quản lý, không cho phát triển mới, cơi nới thêm nhà nuôi yến trong các khu đô thị, khu dân cư, nơi không cho nuôi yến theo nghị quyết của HĐND tỉnh…”, ông Nguyễn Thành Đức cho hay.
Hiện tại, Việt Nam là một trong bốn nước (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) được Trung Quốc chấp thuận cho phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến. Tuy nhiên, công tác quản lý nuôi chim yến vẫn còn một số tồn tại, bất cập; việc sơ chế, chế biến các sản phẩm tổ yến chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Để khẩn trương khắc phục hạn chế và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ tổ yến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp như chấm dứt săn bắt chim yến trái phép, kiểm tra cơ sở nuôi yến, đăng ký mã số theo đúng quy định; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nuôi, phòng chống dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tổ yến…
Theo Bộ NN&PTNT, sau 5 năm đàm phán, Trung Quốc đã chính thức đồng ý để yến sào Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này bằng con đường chính ngạch, nếu đáp ứng được 16 điều quy định như: yêu cầu về bao bì, ghi nhãn, kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm… Đây là những nội dung nằm trong Nghị định thư được ký kết vào cuối năm 2022, được xem là bước đi đầu tiên để tổ yến Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn rà soát những nhà yến đã đăng ký với Trung Quốc và phải có mã số. Phía Cục Thú y hướng dẫn các địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và các tiêu chuẩn theo quy định.
Theo H.TÂN - H.THU (Báo Hậu Giang)