Đồng Tháp: Để khăn choàng Long Khánh vươn xa

19/03/2024 - 09:34

Giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - nghề thủ công truyền thống dệt choàng Long Khánh, huyện Hồng Ngự đã được công nhận. Trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa được các cấp chính quyền địa phương và người dân tiếp tục thực hiện. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm, sự nhiệt huyết của thế hệ tiếp nối để văn hóa dân tộc sẽ còn mãi với thời gian.

Lãnh đạo huyện và các chuyên gia tại buổi nói chuyện cùng người dân làng nghề

Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia - nghề thủ công truyền thống dệt choàng Long Khánh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao là cả niềm mong mỏi, kỳ vọng của bao thế hệ người dân làng nghề ấp Long Tả. Bởi đây là minh chứng sống động cho những tinh hoa dân tộc đã được trao, truyền theo chiều dài lịch sử ở xứ cù lao. UBND huyện Hồng Ngự cũng đã tổ chức lễ ra mắt mô hình “Du lịch trải nghiệm Làng nghề dệt choàng Long Khánh”, với những mục tiêu và định hướng cụ thể. Bà Đặng Thị Yến Trinh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự, cho biết: “Phát triển du lịch làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân làng nghề; giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị làng nghề; gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch. Đây là 3 nhiệm vụ trọng tâm mà huyện đang hướng đến”.

Đến với “Du lịch trải nghiệm làng nghề dệt choàng Long Khánh”, du khách được trải nghiệm khu phục dựng quy trình sản xuất của làng nghề, tham quan khu trưng bày và bán các sản phẩm từ làng nghề, ẩm thực chợ phiên, sản phẩm OCOP, cùng không gian đờn ca tài tử, trò chơi dân gian...

Ngày nay, ở vùng quê này, ngày càng có nhiều hơn những người trẻ, thế hệ tiếp nối đang miệt mài trở thành những đại sứ thương hiệu và tự hào giới thiệu với bạn bè gần xa sản phẩm quê mình. Bạn Nguyễn Thị Cẩm Ý ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, cho biết: “Khi khoác lên bộ trang phục từ chất liệu khăn choàng em cảm thấy rất vinh hạnh vì có thể quảng bá được những hình ảnh, công sức của mọi người nơi đây để nhiều người biết đến”.

Một hộ dân làng nghề dệt sản phẩm khăn choàng

Quyết tâm gìn giữ làng nghề dệt choàng cũng là quyết tâm gìn giữ một trong những nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam bộ. Bởi đây không chỉ tạo điều kiện cho làng nghề phát triển mà còn góp phần thực hiện sứ mệnh trao truyền những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống mà ông cha hàng trăm năm đã gầy dựng, để từ đó chiếc khăn rằn Long Khánh tiếp tục là biểu trưng riêng trong đời sống của người dân vùng sông nước Cửu Long.

Theo MINH THI (Báo Đồng Tháp)