Đồng Tháp quan tâm phát triển kinh tế xanh

05/07/2022 - 08:49

Trên tinh thần thực hiện phát triển kinh tế xanh, thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

A A

Với định hướng đó, Đồng Tháp triển khai hiệu quả Kế hoạch sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020. Qua đó, hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (điện mặt trời áp mái, trạm bơm điện an toàn và hiệu quả) và hỗ trợ 11 cơ sở áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn... Kết quả, cơ bản giảm khoảng 5,2% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu năng lượng của tỉnh; giúp các cơ sở nâng cao được ý thức sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên nhiên, vật liệu trong quá trình sản xuất. Đồng thời dự báo tiềm năng tiết kiệm nguyên vật liệu trong các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn có thể tiếp tục giảm từ 8 - 13% trong thời gian tới.

Đối với việc áp dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ và nâng cao trình độ quản lý để giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các địa phương tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến; phát triển mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0”; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác loại hình du lịch sinh thái; chú trọng hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất - tiêu thụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật truy xuất nguồn gốc. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường được áp dụng trên địa bàn tỉnh nhằm tiết kiệm nước và chống hạn, phục vụ tốt nhu cầu phát triển nông nghiệp.

Thời gian qua, tỉnh chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các mô hình phát triển điện mặt trời kết hợp trồng cây nông nghiệp, nuôi thủy sản, phát triển điện mặt trời trên mặt nước được hình thành. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 6 dự án điện năng lượng mặt trời trên mái nhà được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 96 tỷ đồng, các dự án đã đi vào hoạt động. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng công suất năng lượng tái tạo là 183MW.

Thực hiện xanh hóa sản xuất, tỉnh rà soát, kiến nghị điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu định hình mô hình phát triển du lịch của tỉnh với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông), Khu Di tích Xẻo Quít, Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu Du lịch Đồng Sen Tháp Mười (huyện Tháp Mười), Làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc),... Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác. Trong đó, du lịch sinh thái là một trong những lĩnh vực được tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và lối sống hài hòa với môi trường thiên nhiên. Qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, diện mạo nông thôn của tỉnh thay đổi rõ rệt. Cơ sở hạ tầng, môi trường được cải thiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp. Đến nay, toàn tỉnh có 113 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 98,26% trên tổng số xã. Các mô hình sản xuất theo chu trình khép kín, thu gom và xử lý nước thải, phân loại tái chế rác thải cũng được thí điểm; tỷ lệ dân số nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đến hết năm 2020 đạt 100%.

Đối với thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, tỉnh quan tâm phát triển đô thị xanh và bền vững; thúc đẩy thực hiện lối sống xanh và tiêu dùng bền vững...

Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)