Mô hình trồng rau hữu cơ tại huyện Thanh Bình do Tổ chức phi lợi nhuận Seed to Table tài trợ thực hiện. (Ảnh tư liệu: Mỹ Lý)
Đến tháng 3/2023, tình hình phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp được triển khai thực hiện tại 20 trường học của 12 huyện/thành phố, xây dựng 20/20 nhà che trồng rau hữu cơ với diện tích 7.868m2 tại các điểm trường từ nguồn kinh phí hỗ trợ 100% của Tổ chức Seed To Table; vẽ bảng hiệu vườn rau, thiết kế và phát đồng phục cho nhóm học sinh tham gia. Các điểm trường đã tiến hành trồng cây họ đậu nhằm cải tạo đất, trồng hoa, thiết lập hệ sinh thái vườn rau. Theo đó, rau sản xuất tại các điểm trường chủ yếu chỉ đủ cung cấp cho giáo viên và phụ huynh.
Đối với các xã, phường, thị trấn thành lập được 7 nhóm nông dân sản xuất rau với 17 hộ tham gia, diện tích 28.213m2. Theo đó, cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam cho 4 nhóm nông dân với diện tích 6.513m2. Cụ thể, tại huyện Thanh Bình có Nhóm Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình), Nhóm Tân Hội (xã Tân Bình) với diện tích 3.100m2, sản lượng trung bình dự kiến khoảng 1.200 - 1.500kg rau các loại/tháng. Huyện Hồng Ngự có Nhóm Long Thuận (xã Long Thuận), Nhóm Phú Thuận A (xã Phú Thuận A) với diện tích 3.413m2, sản lượng trung bình dự kiến khoảng 1.400 - 1.700kg rau các loại/tháng.
Theo đó, Nhóm Phú Mỹ, Nhóm Tân Hội, Nhóm Phú Thuận A và Nhóm Long Thuận đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ với Công ty TNHH Xã hội Công dân Chuyên nghiệp (ProCiFood), với giá bán trung bình khoảng 20.000 đồng/kg (tổng khối lượng khoảng 1.500kg). Phần còn lại nông dân bán ra thị trường với giá bằng với rau thông thường.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, việc thực hiện dự án còn gặp một số khó khăn nhất định do điều kiện sản xuất của nông dân (đất, nguồn nước, công lao động...) chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất hữu cơ. Mặt khác, việc sản xuất rau hữu cơ hiện tại đầu ra và giá cả chưa ổn định nên chưa khuyến khích được nông dân tham gia.
Ngoài ra, nông dân chưa có kế hoạch sản xuất đa dạng chủng loại cây trồng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phần lớn nông dân chỉ tập trung xuống giống một số loại cây trồng dễ canh tác với diện tích lớn dẫn đến việc liên kết tiêu thụ với siêu thị và nhà hàng chưa thực hiện được. Vì vậy, nông dân phải bán ra các chợ truyền thống tại địa phương với giá bán bằng với rau thông thường, từ đó chưa cải thiện được nguồn thu nhập cho gia đình...
Trước những thuận lợi và khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tiêu thụ nông sản hữu cơ của Hệ thống đảm bảo chất lượng cùng tham gia (PGS) tỉnh Đồng Tháp với mục đích giới thiệu nông sản hữu cơ PGS Đồng Tháp được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ nông dân tham gia Dự án Seed To Table tiêu thụ nông sản tại địa phương, hạn chế tình trạng hao hụt và chi phí vận chuyển khi gửi nông sản tiêu thụ xa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Qua đó, góp phần giúp người tiêu dùng tại tỉnh Đồng Tháp có cơ hội tiếp cận, sử dụng nông sản hữu cơ để bảo vệ sức khỏe. Theo đó, sản lượng nông sản dự kiến khoảng 4.800 - 5.100kg/tháng, với khoảng 40 chủng loại rau.
Trên tinh thần đó, đơn vị xây dựng thí điểm 1 quầy bán và trưng bày các sản phẩm hữu cơ PGS Đồng Tháp tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn. Đồng thời, tạo nhóm Zalo, Facebook để tuyên truyền, chia sẻ thông tin về các sản phẩm hữu cơ của PGS Đồng Tháp, thời gian cung cấp sản phẩm. Song song đó, lập kế hoạch sản xuất cho các nhóm nông dân, cung cấp cho quầy rau liên tục và đa dạng chủng loại phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng tại TP Cao Lãnh.
Dự kiến, mỗi quý sẽ tổ chức 1 phiên chợ bán nông sản hữu cơ PGS Đồng Tháp cho nông dân là thành viên các liên nhóm sản xuất hữu cơ huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Cao Lãnh và doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc sản Đồng Tháp. Từ đó giúp nông dân, doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau...
Theo Y DU (Báo Đồng Tháp)