Tồn tại và phát triển
Ở Sóc Trăng có rất nhiều trò chơi dân gian hay các môn thể thao truyền thống của đồng bào Khmer đã được hình thành và phát triển từ lâu. Các môn thể thao này, đã trở thành nét sinh hoạt mang đậm bản sắc văn hóa và là niềm tự hào của bà con Khmer. Nếu môn bóng đá, bóng chuyền, bi sắt… thường xuyên được các ngành tổ chức vào dịp lễ, Tết Chôl Chnăm Thmây, thì đối với đua ghe ngo được diễn ra vào ngày 14 và rằm Khe Kađâk (rằm tháng 10 âm lịch) nhân dịp lễ hội Oóc om bóc hàng năm.
Với đồng bào Khmer, chiếc ghe ngo chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh, ghe ngo được xem là vị thần bảo vệ sự bình yên, là hiện thân của tình đoàn kết và sức mạnh phum sóc. Vì thế, khi có ghe ngo thì bà con Khmer luôn thể hiện sự trân trọng và yêu thích bởi cùng góp một phần công sức cho đội ghe và bổn sóc của mình.
Đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer được tổ chức ngày càng quy mô.
Chính vì lòng đam mê môn thể thao truyền thống của dân tộc, nên nhiều gia đình đã tự bỏ tiền ra để lo cho cả đội ghe ngo từ lúc tập luyện cho đến ngày tham dự lễ hội. Điển hình như gia đình ông Lý Phone ở Phường 2 (TP. Sóc Trăng), suốt gần 10 năm nay, cứ đến mùa hội đua ghe ngo là tất cả thành viên trong gia đình ông đều thu xếp việc nhà để chuyên tâm phục vụ cho đội ghe ngo của Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ.
Ông Lý Phone cho biết: “Mỗi mùa lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo là gia đình tôi hỗ trợ gần trăm triệu đồng để lo chi phí ăn uống cho các vận động viên tập luyện và thi đấu. Riêng năm nay, hỗ trợ sửa chữa cho đội ghe ngo chùa Khleang và Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, tổng số tiền gần 200 triệu đồng, với mong muốn môn đua ghe ngo sẽ phát triển mạnh hơn”.
Lan rộng và nâng tầm lễ hội
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí từ các cấp chính quyền, môn thể thao truyền thống này ngày càng phát triển, nhất là hỗ trợ cho các chùa đóng mới từ 50 đến 100% trị giá của chiếc ghe ngo. Điển hình như ghe ngo của các chùa: Pong Tứk Chắs, Ông Kho (Thạnh Trị); Bâng Tone Sa, Prếk Ompu, Pôthi Prứk (Trần Đề); Phnôkambôth, Đăyompu, Prếk Tro Kuône, Ompuyear (Mỹ Xuyên); Đơm Ompil, Wat Pếch Meangkol (TX. Vĩnh Châu); Sangke (Long Phú)… Nhà nước hỗ trợ kinh phí hàng trăm triệu đồng để đóng mới và trao giải thưởng cho các đội đạt thành tích cao tại lễ hội Óoc om bóc. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 50 đội ghe nam, nữ và số lượng ghe hàng năm đều tăng dần.
Phục dựng hội thi ghe kà-hâu
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cho phép Sóc Trăng tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long - Sóc Trăng lần thứ I. Càng vui mừng hơn, khi các công trình trọng điểm phục vụ cho đường đua ghe ngo được hoàn thiện hay phục dựng hội thi ghe kà-hâu... nhằm giúp cho bà con đến xem, đi lại và cổ vũ được dễ dàng hơn. Trao đổi với chúng tôi, thượng tọa Lâm Sương - Trụ trì chùa Ompuyear chia vui: “Không chỉ trong bổn chùa, mà đồng bào Khmer cũng mừng lắm, khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ đóng ghe ngo mới. Lễ hội truyền thống được nâng tầm lên thành lễ hội cấp khu vực, hướng đến quốc tế, nên đây được xem là niềm vui, niềm tự hào lớn đối với đồng bào Khmer nói chung”.
Ông Trần Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “Lâu nay, đua ghe ngo là môn thể thao hấp dẫn nhất tại lễ hội Oóc om bóc. Hoạt động này đã trở thành nét văn hóa - thể thao độc đáo của đồng bào Khmer trong khu vực; góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, gắn bó giữa các dân tộc, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, nâng cao sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh luôn duy trì việc tham dự các giải và Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch đồng bào Khmer Nam bộ được luân phiên tổ chức định kỳ tại các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, không chỉ thể hiện sự quan tâm phát triển môn thể thao truyền thống từ các cấp chính quyền trong tỉnh, của Đảng, Nhà nước mà còn là cơ hội để Sóc Trăng quảng bá hình ảnh du lịch, nét văn hóa độc đáo của mình đến với du khách trong và ngoài nước".
Theo THẠCH PÍCH (Báo Sóc Trăng)