Gian nan bảo tồn âm nhạc Khmer Nam bộ

22/09/2019 - 14:26

Nền văn hóa nghệ thuật Khmer Nam bộ đã trải qua quá trình phát triển lâu dài và tạo nên bản sắc đặc trưng. Trong đó, âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ có nhiều loại hình khác nhau, gắn bó với nhịp sống đời thường, sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội. Tuy nhiên, gần đây do tác động của các loại hình âm nhạc hiện đại, khiến âm nhạc Khmer Nam bộ gặp nhiều khó khăn và bị mai một dần.

Độc đáo âm nhạc Khmer 

Âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ có nhiều loại hình khác nhau như dàn nhạc ngũ âm, dàn nhạc Mhôry, dàn nhạc cưới, múa trống Sa dam, hát À day, Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru… đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Khmer Nam bộ bao đời nay.

Soạn giả Thạch Mu Ni, Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh tâm sự: Chỉ riêng dòng nhạc Chầm riêng Chà pây đã là hình thức độc diễn độc đáo, người diễn vừa hát vừa đàn bằng nhạc cụ Chà pây. Hát Chầm riêng Chà pây mang tính kể chuyện, thỉnh thoảng pha chút hài hước gây hào hứng. Nội dung thường là những câu chuyện cổ tích, thần thoại, dân gian, các mẩu chuyện tốt xấu để răn dạy con người.

Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian rất độc đáo, thể hiện sự sáng tạo của con người và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh đương đại. Năm 2013, Bộ VH-TT-DL đã đưa Chầm riêng Chà pây vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Múa Khmer Nam bộ

Hay như dòng nhạc À day với hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, phổ biến nhất là song ca, đôi khi có tam ca, tứ ca phục vụ cuộc vui, dịp lễ, tết… Hát À day có tính hài hước và mang tính thời sự với những câu chuyện hiện thực trong cuộc sống được người hát đối đáp theo lối ứng khẩu thành thơ, rất nhạy bén để thu hút người nghe. Dòng nhạc lễ, nhạc cưới, nhạc Mhôry… cũng đều có những đặc trưng, độc đáo riêng. 

Cùng nhận định trên, TS - nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Dân tộc Khmer Nam bộ hiện nay đã và đang kế thừa một di sản văn hóa vô giá do tổ tiên để lại, đó là kho tàng nhạc khí dân gian đa dạng và độc đáo. Kho tàng nhạc khí dân gian Khmer Nam bộ mang tính đặc trưng, tiêu biểu trong nền văn hóa truyền thống của người Khmer, đặc biệt là tại vùng ĐBSCL. Trong suốt chiều dài lịch sử, kho tàng nhạc khí mang ý nghĩa tích cực trong đời sống cộng đồng xã hội người Khmer Nam bộ, góp phần làm giàu thêm kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, phục vụ đời sống cộng đồng”.

Theo NSƯT Thạch Mô Ly (Nhà hát Cao Văn Lầu), âm nhạc dân gian có vai trò quan trọng và giá trị to lớn trong đời sống của người Khmer Nam bộ, thể hiện trên các phương diện nhận thức, xã hội, đạo đức, thẩm mỹ… do đó rất cần được nghiên cứu để giữ gìn và phát huy. 

Mai một theo thời gian 

Dù rất độc đáo, nhưng điều đáng lo là nhiều loại hình âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ đang bị mai một trước xu thế hội nhập và giao lưu ngày càng sâu rộng; sự tác động mạnh của làn sóng văn minh phương Tây; sự ảnh hưởng của các loại hình âm nhạc hiện đại… khiến âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ gặp khó khăn, trong đó nhiều loại hình đang có nguy cơ đánh mất bản sắc. 

NSƯT Thạch Mô Ly lo lắng khi đội ngũ nghệ nhân và nhạc công tham gia biểu diễn âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ ngày càng ít; nhiều người ngại học âm nhạc dân tộc, nhất là giới trẻ người Khmer. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian Khmer rất hạn chế, đồng thời thiếu sự phát huy và phổ biến các giá trị văn hóa âm nhạc Khmer Nam bộ. 

Ông Bùi Công Ba (Sở VH-TT tỉnh Kiên Giang) chỉ ra thực tế là phong trào văn nghệ quần chúng trong vùng đồng bào Khmer đang gặp khó khăn do thiếu nhạc cụ, thiếu diễn viên, thiếu kinh phí. Nhiều chùa Khmer ở Kiên Giang không có nhạc cụ dân tộc, các thiết chế văn hóa cho xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu; việc đầu tư của nhà nước còn hạn chế, trong khi xã hội hóa các hoạt động văn hóa rất gian nan. 

Ths Phạm Thị Tố Thy, Trường Đại học Trà Vinh băn khoăn: “Một trong những hạn chế là nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ lĩnh vực âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ có trình độ học vấn thấp, do đó dù mong muốn bảo tồn và phát huy nhưng lại gặp trở ngại về học thuật, kỹ năng âm nhạc… Ngoài ra, các học sinh trường dân tộc nội trú hay sinh viên là người Khmer cũng chưa mặn mà với việc học âm nhạc dân tộc, nên các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về nghệ thuật Khmer Nam bộ luôn thiếu người học”.

Điển hình như ở Trường Đại học Trà Vinh là nơi duy nhất trong cả nước có đào tạo chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ Khmer Nam bộ ở bậc đại học, song số lượng sinh viên theo học chẳng bao nhiêu (chỉ có 29 sinh viên từ năm 2012 - 2019), dù nhà trường có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ. 

Trước thực trạng này, Ths Phạm Thị Tố Thy đề xuất ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về sự cấp thiết bảo tồn âm nhạc dân gian Khmer Nam bộ, nhất là trong các trường đại học, trường nghệ thuật, trường dân tộc nội trú. Nhà nước cần có chính sách đầu tư, phục dựng một số loại hình có nguy cơ mai một như Chầm riêng Chà pây, đồng dao, hát ru... Việc bảo tồn cũng nên gắn với phát triển du lịch ở địa phương nhằm nâng cao đời sống cho người dân. 

Theo TS - nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xu thế phát triển kinh tế xã hội, hội nhập toàn cầu là nhiệm vụ cần thiết nhưng rất khó khăn. Việc giữ gìn những giá trị văn hóa đòi hỏi chính sách nhất quán giúp cộng đồng người Khmer nhận thức được vốn di sản quý do ông cha để lại, từ đó cùng ra sức bảo vệ và truyền cho đời sau. Muốn làm được những việc trên, cần sự quan tâm đúng mức của ngành chức năng, sự đầu tư của Nhà nước và sự vào cuộc của cộng đồng dân tộc Khmer - chủ thể của nền văn hóa âm nhạc.

Theo HUỲNH LỢI (Sài Gòn Giải Phóng)