Các con rạch làm đường giao thông thủy ít dần ở Nam Bộ. Ảnh: TTH
Ít ai biết rằng, nhịp phách căn bản của loại hình âm nhạc dân tộc đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại - đờn ca tài tử Nam Bộ là nhịp chèo thuyền. Vì thế, tiếng hát của các tài tử cứ khoan nhặt, đưa đẩy, mềm mại mà thong dong như ghe thuyền lướt đi trên sông nước. Việc đi lại, giao thương bằng thuyền trên sông ngòi, kênh rạch đã ảnh hưởng lên hầu hết phong cách, lối sống của con người ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhịp sống ấy đặc trưng đến nỗi ai đặt chân lên miền Tây Nam Bộ là muốn tới chợ nổi, nghe đờn ca tài tử, du thuyền trên vàm rạch, theo con nước lớn, nước ròng mà len lỏi các nhánh sông Cửu Long vào các miệt vườn, vựa trái cây, vựa cá lớn mà thưởng thức đặc sản sông nước đặc trưng Nam Bộ.
Vậy mà, cùng với sự phát triển tất yếu, Nam Bộ đang hoàn thiện hệ thống những cây cầu và tuyến đường bộ huyết mạch, đồng nghĩa với chợ nổi không còn là nhu cầu thiết yếu của người dân. Vận tải đường bộ thay thế dần đường thủy, các trung tâm mua bán hàng hóa, siêu thị dần thay thế chợ nổi. Chúng tôi ngồi ở trung tâm chợ ngã 7 Phụng Hiệp, Hậu Giang - nơi 7 con sông, rạch giao nhau từng tồn tại một phiên chợ hàng trăm năm đã đi vào thơ ca hò hẹn của bao lớp người Nam Bộ. Giờ đây, thảng hoặc có vài chiếc ghe gắn máy chạy qua chở nặng hàng hóa. Toàn bộ phiên chợ nổi đã tự nhiên dời lên bờ. Bà con xóm ấp trong vòng vài dặm cũng không còn đi lại bằng thuyền, vỏ lãi, xuồng ba lá nữa. Các ghe thương hồ ít dần, còn bao nhiêu chuyển qua chạy chuyến chở hàng cho các miệt vườn cây trái.
Các chợ nổi khác tại các tuyến giao thông đường thủy như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ Cái Răng (Cần Thơ), chợ Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ Châu Đốc (An Giang), chợ Năm Căn (Cà Mau), chợ Vĩnh Thuận (Kiên Giang)... đều không còn quy mô và vai trò lớn như trước đây. Chợ nổi Cái Răng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ ngày 10-3-2016. Khi đã được công nhận là di sản đồng nghĩa với việc nét văn hóa này đã đi đến ngưỡng cần được bảo tồn, không đơn thuần còn là nhu cầu tự nhiên của cộng đồng nữa.
Trong số các chợ nổi này, chợ Cái Răng là nổi tiếng hơn cả bởi phiên chợ nằm ngay trong lòng thành phố Cần Thơ. Ước tính, 70% khách du lịch hàng năm (khoảng 800 ngàn lượt) đặt chân đến Nam Bộ đều trải nghiệm phiên chợ này. Vào mùa du lịch cao điểm, có khoảng 200 tàu du lịch xuất bến đưa khách tham quan. Có thể thấy ngay thực trạng tàu khách du lịch còn nhiều hơn ghe tàu thương hồ và thuyền của bà con mua bán trên sông. Cao điểm, vào buổi sáng sớm, mỗi ngày cũng chỉ có khoảng vài trăm ghe bầu thương thuyền của người buôn bán. Người chơi xem thì nhiều, người còn giữ nếp sinh hoạt, lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của chợ nổi thì ít, về tương lai, liệu phiên chợ này còn gì để hấp dẫn du khách? Mặt khác, 2 bên sông ngày càng đông đúc đô thị, xả thải, xả rác, cộng với các dịch vụ ăn uống trên ghe không giữ được vệ sinh môi trường khiến phiên chợ ngày càng kém hấp dẫn.
Thành phố Cần Thơ cũng nhận định, nếu không còn hoạt động buôn bán trên sông, phiên chợ Cái Răng rồi sẽ tự nhiên biến mất. Hoặc chỉ cần có hiện tượng mai một, uể oải chợ chiều thì phiên chợ trên sông sẽ tan rã rất nhanh. Vì vậy, giữ căn cốt của các phiên chợ nổi chính là giới thương hồ. Họ không còn tha thiết với nghề nữa thì đồng nghĩa với việc không giữ được chợ nổi trên sông. Một vài giải pháp sát sườn đã được tính đến như hỗ trợ thương hồ chợ nổi Cái Răng ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập. Địa phương thì hỗ trợ vốn vay, gia tăng dịch vụ công, tổ chức thu gom rác trên sông, bảo đảm nước sạch, trợ giá hàng hóa nông sản...
Du khách đến Cái Răng, dậy sớm đón bình minh lấp loáng trên ghe thuyền tấp nập rồi vãn chợ thì nghe đờn ca tài tử trên sông là hành trình khá hoàn hảo và lôi cuốn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần chuyển biến ý thức của các chủ ghe thương hồ. Họ không chỉ là người đi buôn chuyến đường sông mà hoàn toàn có thể là chủ thể văn hóa, biết ca vọng cổ, biết làm du lịch, biết thuyết minh chiều sâu văn hóa Nam Bộ. Mặt khác, chính cuộc sống của họ, giản dị trên các ghe bầu đầy nông sản đã là một nét đặc sắc hấp dẫn du khách khám phá. Đối với các thương hồ, chiếc ghe y như ngôi nhà nổi của họ. Trên mỗi ghe đều mang dấu ấn, phong cách riêng của chủ ghe. Chẳng hạn, chủ ghe tính khí thế nào, nhìn chiếc ghe trang trí màu mè hay giản dị, có trồng các cây kiểng, cây bông trên ghe không, có nuôi thú cưng hay không, nhìn là biết ngay.
Trên bờ có homestay du lịch lưu trú quy mô nhỏ thì tại sao dưới ghe lại không? Người Nam Bộ hiếu khách, hiền lành, càng là tầng lớp lao động, họ càng khiêm nhường, cung kính với khách lạ. Điều này là một lợi thế nếu địa phương đặt ra các quy tắc ứng xử với khách du lịch, có quy chế hoạt động chợ nổi, sao cho văn minh, an toàn.
Chợ nổi Ngã 5 Sóc Trăng, phiên chợ sầm uất nhất Nam Bộ đang thưa vắng dần. Ảnh: TTH
Du khách đến chợ nổi là bị hấp dẫn bởi sự tự nhiên, khoáng đạt của chợ nổi, chứ càng o bế, bó hẹp, chợ nổi càng kém cuốn hút. Tương tự như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Ngã Năm, Sóc Trăng cũng đã được quy hoạch thành khu du lịch và dịch vụ. Ngoài các con sông cứ hẹp dần vì xây kè, công trình lấn ra ngoài, chợ nổi đang dần trở nên thưa nhạt vì đường bộ đã quá thuận tiện với người dân. Các chợ nổi lo sợ mai một nên gấp rút lên phương án xây dựng hàng loạt các cầu tàu, nhà hàng nổi, nhà vệ sinh công cộng trên sông dẫn tới lợi bất cập hại. Bởi, khi chợ nổi mất đi vẻ tự nhiên vốn có của nó, cùng sự dân dã cần thiết, cũng là lúc chỉ còn chợ kiểng và kém hấp dẫn dần đối với du khách.
Hằng năm, cứ đến mùa nước nổi và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, các chợ nổi thường hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Ngoài giới thương hồ dọc ngang các con sông, ước tính, có hàng vạn lao động ở các miệt vườn, đồng hoa kiểng, trại thủy sản sống nhờ các chợ nổi. Khi thời đại thương mại điện tử đã phủ sóng đến khắp các miền quê, việc lưu giữ được văn hóa chợ nổi là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo THÚY HẰNG (Biên phòng)