Hát bội ở đình

13/07/2020 - 09:08

 - “Hát bội làm tội người ta/ Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con…”. Vào thời hoàng kim, hát bội (hát bộ) đã từng làm làm say mê biết bao khán giả. Từng vở diễn, từng tiếng hát trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Bây giờ, hát bội đã lui dần về sau, nhường chỗ cho những loại hình nghệ thuật tân thời hơn. Muốn xem hát bội, phải chờ đến lễ hội Kỳ yên ở các đình…

Sau các nghi thức, lễ tế, phần được người dân mong chờ nhất là hát chầu (hát bội). Cách đây không lâu, Đoàn Nghệ thuật tuồng cổ Hồng Châu (Bạc Liêu) được Ban Tế tự Đình Mỹ Phước (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, An Giang) mời về hát cúng lễ hội Kỳ yên. Đoàn diễn liên tục 3 suất trong thời gian lễ hội, vào sáng, chiều, tối. Mỗi vở tuồng kéo dài từ 2-3 giờ đồng hồ. Trong ảnh là vở tuồng “Thần nữ dâng Ngũ linh kỳ”.

Đa số đoàn nghệ thuật tuồng cổ còn tồn tại đến nay đều mang tính chất “cha truyền con nối”. Người trẻ kế nghiệp của gia đình khi máu nghệ thuật đã ăn sâu vào lòng họ từ thuở nhỏ. Trải qua bao thăng trầm, “sân khấu” thay đổi ngày càng hiện đại hơn cho phù hợp, nhưng những nét cốt lõi nhất của tuồng cổ vẫn được các đoàn gìn giữ lại. Các vở diễn được ưa chuộng là: Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Tiếng trống Mê Linh…

Hát bội được yêu thích cũng vì các điệu múa võ và cử chỉ đặc trưng trên sân khấu. Khán giả bị cuốn hút bởi các động tác võ thuật khớp với nhịp nhạc, thể hiện được tính nghệ thuật ước lệ. Hiện nay, nhiều động tác được lược bỏ dần, ngày càng đơn giản hơn, nhưng vẫn rất đẹp mắt.

Mỗi vở tuồng quy tụ trên 20 nghệ sĩ tham gia. Họ đều là người tứ xứ, đi hát riết có mối quan hệ, khi có vai phù hợp hoặc có nơi mời diễn thì liên hệ tham gia. Để thu hút khán giả, ngoài tài năng của nghệ sĩ, các vở tuồng còn được “thêm mắm dặm muối”, các phân đoạn hài cho phù hợp thị hiếu người dân.

Để tiết kiệm thời gian, chi phí, từng nghệ sĩ tự mình thực hiện các công đoạn hóa trang. Đặc trưng rõ nét của bộ môn nghệ thuật này là trang phục, trang sức và trang điểm vô cùng cầu kỳ. Nghệ sĩ thường mất hàng giờ đồng hồ để hoàn chỉnh tạo hình nhân vật.

Chỉ bấy nhiêu loại mỹ phẩm thôi đã tạo nên đủ nhân vật trong các vở tuồng: quan văn, lão võ, yêu ma, gian thần, trung thần, tiều phu… Mỗi vai diễn, nhân vật được quy định rõ cách hóa trang, như: màu đỏ (trí dũng), màu trắng (thư sinh), xanh da trời (mưu mô xảo quyệt), hồng (trung thần)…

Nghệ sĩ Nguyễn Minh Phụng (Đoàn Nghệ thuật Minh Ngọc, TP. Long Xuyên) sinh năm 1949, đã theo nghề từ năm 17 tuổi đến nay. Hễ có đoàn nào mời là ông đi theo, vừa lấy mối quan hệ, vừa học hỏi thêm. Nghề dạy nghề, trải qua nhiều đoàn hát, “lưu diễn” nhiều nơi, ông diễn từ kép phụ, kép chính rồi giờ “chuyên trị” vai lão. Hôm biểu diễn, ông vào nhân vật Dương Đình Nghệ (nhạc phụ của Ngô Quyền). Hơn 70 tuổi, nhưng tiếng hát ông vẫn đủ nội lực, vang vọng khắp sân khấu.

Kể từ khi khoác lên mình trang phục của nhân vật, người nghệ sĩ bắt đầu sống cuộc đời của nhân vật ấy. Mọi hỉ, nộ, ái, ố đều là của nhân vật. Họ đem hết tài năng và tâm huyết truyền tải trọn vẹn lớp diễn của mình, dẫu sân khấu nhỏ hẹp, dẫu khán giả thưa thớt, dẫu cơm áo gạo tiền của cuộc sống thật chi phối.

Những bộ trang phục của đoàn nghệ thuật đầy màu sắc, lấp lánh, nhưng bắt đầu cũ dần, sau khi được sử dụng rất nhiều lần. Thu nhập từ các vở tuồng chỉ mang tính tượng trưng. Nghệ sĩ còn trụ lại với nghề, phần lớn là do đam mê, không thể nào bỏ được môn nghệ thuật đã cùng họ gắn bó mấy mươi năm. Ra khỏi ánh đèn sân khấu, họ trở về làm phụ hồ, tiểu thương, nông dân… để nuôi sống gia đình.

Điều nghệ sĩ sợ nhất là loại hình nghệ thuật này đang dần mai một: thiếu người kế thừa, thiếu khán giả. Nên họ thường “truyền lửa” và đào tạo thế hệ tiếp nối ngay khi phát hiện tài năng mới. Bé Trần Đại Nghĩa (lớp 1, Trường Tiểu học Trần Quang Khải) vừa thi học kỳ xong đã theo chân mẹ (Trần Thị Hạnh, sinh năm 1981, ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) đi hát tại Đình Bình Đức (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên). Cậu bé tự mình hóa trang, công đoạn nào khó thì nhờ các nghệ sĩ khác hỗ trợ.

 

Công nghệ hiện đại làm thay đổi cách thưởng thức nghệ thuật của người dân. Trong ảnh, một cậu bé bán vé số chăm chú dùng điện thoại di động ghi lại vở diễn trên sân khấu, để khi nào rỗi rảnh, cậu lại mở ra xem.

Những suất diễn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, trong khuôn viên chật hẹp của đình, nên không nhiều khán giả đến xem, theo dõi đến hết vở. Người xem đa số ở lứa tuổi trung niên, gắn bó mấy mươi năm với loại hình nghệ thuật này. Đám trẻ con sắp nghỉ hè cũng được dắt theo, để chúng biết văn hóa truyền thống của quê hương. Có khi, chúng không thể hiểu nhân vật đang y y nha nha điều gì trên sân khấu, nhưng sắc màu lộng lẫy và tạo hình hoành tráng, thú vị của nhân vật sẽ trở thành ký ức khó phai mờ trong lòng. Để sau này, chúng lại kể cho lứa thế hệ sau, rằng: “Hồi xưa, ông bà đã từng đi nghe hát bội ở đình”…

KHÁNH HƯNG