Hậu Giang: Cô bé khiếm thị đam mê võ thuật

22/05/2024 - 14:52

Học võ với người khỏe mạnh đã khó, với em Nguyễn Ngọc Phương Linh, sinh năm 2014, ở ấp Thạnh Lợi C, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, càng vất vả hơn bội phần. Ấy vậy mà cô bé khiếm thị này vẫn miệt mài gắn bó, sống hết mình với đam mê...

Nhìn những động tác tập luyện chăm chỉ thế này, không ai nghĩ Phương Linh bị khiếm thị...

Hơn 5 năm qua, tại Câu lạc bộ Vovinam Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Ngã Bảy, có một võ sinh khá đặc biệt tham gia tập luyện. Đó là em Nguyễn Ngọc Phương Linh, cô bé khiếm thị đam mê võ thuật.

Chị Nguyễn Thị Dung, mẹ Phương Linh, chia sẻ: “Cháu phát hiện khối u mắt từ khi 18 tháng tuổi, gia đình bắt buộc phải đưa đi phẫu thuật bỏ cả hai mắt. Với mong muốn giúp bé được rèn luyện sức khỏe, biết tự vệ bản thân nên tôi cho con theo học võ, ban đầu khá e dè vì sợ huấn luyện viên không nhận. Cháu bị khiếm thị việc sinh hoạt bình thường đã khó thì học võ lại càng khó hơn, may mắn là được cô Giao nhiệt tình hướng dẫn, quan tâm hỗ trợ”.

Võ thuật là môn thể thao đòi hỏi nhiều thể lực, sự nhanh nhẹn của người học. Các thao tác va chạm, đánh đấm, phản xạ đòi hỏi phải kịp thời, nhìn động tác để thực hiện theo, sự tinh anh của đôi mắt vô cùng quan trọng. Do đó, những ngày đầu đến câu lạc bộ, Phương Linh khá nhút nhát, thiếu tự tin vì bản thân không nhìn thấy. Việc tập luyện, thực hiện các động tác dựa vào sự cảm nhận từ tay, lắng nghe và ghi nhớ của bản thân.

Phương Linh nhớ lại: “Lúc đầu do con chưa biết về võ nên thực hiện các động tác rất khó. Mỗi bước chân đá hay đấm con chưa phản xạ và định hình được có trúng mục tiêu không, thấy bị hụt hẫng. Nhờ cô Giao thực hiện chi tiết từng động tác, rồi con sờ vào, dần dần cảm nhận được và xác định được phương hướng. Cô dùng một thanh nhựa dài để gõ xuống nền sân làm âm thanh giúp con đặt chân đúng vị trí hơn”.

Từ lúc ban đầu mỗi ngày chỉ thực hiện được một, hai động tác, đến nay Phương Linh đã thuộc nhuần nhuyễn các bài quyền cơ bản, phản đòn, chiến lược… và hoàn thành tốt kỳ thi thăng đai đầu tiên, chuyển từ lam đai xanh nhạt lên lam đai xanh đậm. Trước kia, do sức khỏe yếu, chưa ổn định nên Phương Linh thường vắng các buổi tập, nhưng hễ khỏe thì em lại đến câu lạc bộ đều đặn. Hai năm gần đây, tình hình sức khỏe cải thiện tốt hơn giúp Phương Linh theo học đều hơn. Nhờ theo tập luyện lâu nên Phương Linh quen thuộc với các động tác tập luyện nên bây giờ chỉ cần nói động tác là Phương Linh đã hình dung ra được và thực hiện nhuần nhuyễn.

Chị Trần Thị Huỳnh Giao, hơn 10 năm gắn bó với công tác huấn luyện, chưa bao giờ dạy cho võ sinh nào như Phương Linh. Trăn trở của chị Giao là phải tìm hiểu, nghiên cứu phương pháp dạy riêng cho Phương Linh, để truyền tải hiệu quả nhất. Từng động tác chị Giao phải diễn giải bằng lời nói một cách chi tiết, cầm tay, chân di chuyển thật chậm, đặt đúng vị trí để Phương Linh dễ hình dung ra thế võ.

Võ sư Trần Thị Huỳnh Giao cho biết: “Phương Linh có thính giác, xúc giác và trí nhớ rất tốt. Bản thân tôi vừa nói vừa thực hiện động tác đó, rồi để Phương Linh sờ lên người mình để cảm nhận được tư thế. Sau đó, diễn giải cụ thể động tác ấy cần làm những gì, đặt chân tay ra sao rồi chỉnh cho em. Cứ thế dần dần Phương Linh bắt nhịp nhanh, mục tiêu của tôi là chậm mà chắc nên giúp em ghi nhớ rất lâu. Bây giờ khả năng của Phương Linh cải thiện nhiều, em vẫn tập thể lực, chạy bền, thực hiện đầy đủ các yêu cầu cần thiết của võ sinh”.

Nhìn các động tác đấm, đá về phía trước không ai nghĩ đó là thế võ của một võ sinh khiếm thị thực hiện. Tuy có thể chưa nhanh, chuẩn xác tuyệt đối như các võ sinh bình thường nhưng chính võ thuật giúp Phương Linh tiến bộ về thể chất lẫn tinh thần, dạn dĩ và có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Phương Linh chia sẻ thêm: “Con đang cố gắng tập thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thi thăng đai sắp tới lên đai một gạch. Bây giờ trừ khi có bài mới thì cô sẽ dạy riêng cho con, đến khi thuộc bài sẽ ráp vào chung đội hình với các anh chị trong câu lạc bộ. Đi học võ con có thêm nhiều bạn để trò chuyện, tham gia nhiều trò chơi tuổi thơ nên thấy vui lắm”.

Đều đặn những năm qua, mỗi chiều thứ sáu, sáng - chiều chủ nhật hàng tuần, dù bận học văn hóa ở Trường Dạy trẻ khuyết tật thành phố Cần Thơ. Ngoài miễn hoàn toàn học phí, chị Giao còn tặng thêm võ phục cho Phương Linh như niềm động lực, khích lệ tinh thần cô học trò nhỏ vượt qua khó khăn để gắn bó với võ thuật.

Đối với Phương Linh, tham gia Câu lạc bộ Vovinam không chỉ đơn thuần là học võ mà còn giúp em được vận động, nâng cao sức khỏe, hòa nhập và giao lưu thêm nhiều bạn bè ở những môi trường khác nhau. Việc tập luyện khá vất vả, đổ nhiều mồ hôi, đòi hỏi sự tập trung cao, nhưng khi thực hiện mỗi thế võ, Phương Linh đều nở một nụ cười. Đó là nụ cười của niềm hạnh phúc, thỏa thích với đam mê và vượt lên chính mình.

Dù biết rằng có những khiếm khuyết không thể lấp đầy theo thời gian, nhưng nghị lực cùng tinh thần vượt khó của Phương Linh thật sự đáng trân trọng, giúp em trưởng thành, hoàn thiện bản thân và hòa nhập cộng đồng.

Theo HỒNG NHUNG (Báo Hậu Giang)