Hậu Giang: Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

22/02/2024 - 09:41

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm mà tỉnh tập trung mọi nguồn lực phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu trọng yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh nên Hậu Giang đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Các ngành, địa phương, chủ đầu tư luôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh cho rằng, bên cạnh theo dõi, đôn đốc việc triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Kịch bản tăng trưởng của tỉnh năm 2024, các ngành, địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; quản lý thu ngân sách nhà nước chặt chẽ; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; chống thất thu thuế, quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững, thực hiện dự toán năm 2024 bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Năm 2024, Hậu Giang ưu tiên đẩy mạnh phát triển lĩnh vực kinh tế.

Tập trung giải phóng mặt bằng tối thiểu 50% khu công nghiệp Sông Hậu 2 và tối thiểu 60% khu công nghiệp Đông Phú 2 để nhà đầu tư kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư. Giải phóng mặt bằng 100% diện tích còn lại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh và khu công nghiệp Sông Hậu, đồng thời kêu gọi lấp đầy diện tích đã giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống, tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược. Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển thị trường trong nước. Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành hành chính, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại điện tử, giao dịch điện tử và kinh tế số; chú trọng khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới. Tăng cường công tác thông tin, định hướng doanh nghiệp, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang hình thức chính ngạch, bền vững.

Đổi mới các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch về Hậu Giang, hỗ trợ xây dựng mới các điểm du lịch để thu hút du lịch trong và ngoài nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao; tăng cường phân cấp, ủy quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện các dự án đầu tư; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết, điều chuyển vốn các dự án không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân, không để lãng phí, kém hiệu quả. Thực hiện tốt việc khai thác sử dụng quỹ đất hiện có, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương và huy động các nguồn lực đầu tư mới để từng bước nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bổ sung nguồn vốn hợp lý cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng cho hoạt động du lịch.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện giải pháp tăng cường huy động vốn, mở rộng tín dụng có hiệu quả song song với nâng cao chất lượng tín dụng; hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình, Đề án trọng tâm của tỉnh. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công, tăng cường xử lý hoạt động tín dụng đen. Công khai, minh bạch trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá cả dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý...

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết sẽ tiếp tục xây dựng ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông minh vào các khâu sản xuất, nhằm tăng chất lượng, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống Nhân dân. Tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường theo Đề án “Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030”. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường việc hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích nông nghiệp hữu cơ...

Hoàn thiện chính sách, phát triển hạ tầng

Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tiếp tục cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh bằng các quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện kịp thời. Nâng cao vai trò, năng lực, tính chuyên nghiệp, chất lượng và tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống trợ giúp pháp lý các cấp để người dân dễ tiếp cận.

Rà soát, xây dựng quy định trình tự, thủ tục, nhất là cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế,... công khai hóa các quy trình và rút ngắn thời gian làm thủ tục cho thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, kết nối với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, thực hiện hiệu quả mô hình dịch vụ hành chính công. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Song song đó, tập trung hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia qua địa bàn tỉnh như: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau); Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, phấn đấu hoàn thành sớm hơn kế hoạch nhằm phục vụ liên kết phát triển vùng. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, gồm: Bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, các Nghị quyết chuyên đề, Chương trình công tác năm 2024 của Tỉnh ủy, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu trọng yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng quyết tâm hành động cao nhất của Đảng bộ, quân và dân Hậu Giang trong thời gian qua; khơi dậy lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển tỉnh Hậu Giang. Tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, sử dụng, khai thác hiệu quả các chính sách.

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động đối với mọi tình huống, nhạy bén nắm bắt những diễn biến mới của tình hình, kịp thời, quyết liệt xử lý có hiệu quả các vấn đề, xây dựng các kịch bản, phương án linh hoạt, thích ứng với các vấn đề mới phát sinh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, ủy quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; đồng thời, phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế. Tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, liên kết hợp tác phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế.

Theo HOÀI THU (Báo Hậu Giang)