Thông qua hoạt động giáo dục hòa nhập từ dự án, nhiều học sinh khuyết tật được can thiệp sớm, tự tin hòa nhập cộng đồng.
Giúp trẻ tự tin hòa nhập
Không may mắn khi bị khuyết tật ở tay và chân, năm 3 tuổi còn trải qua căn bệnh động kinh, nên trí tuệ của em Phạm Tấn Tửu, học sinh lớp 3A4, Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, không được như các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên, từ khi đến trường em luôn nhận được sự quan tâm của thầy, cô và bạn bè.
Chị Nguyễn Ngọc Ảnh, mẹ em Tấn Tửu, ở ấp Thạnh Lợi B, xã Tân Long, tâm sự: “Con tôi dù không lanh lợi, thông minh như bạn bè, nhưng từ khi đến trường được thầy cô dạy dỗ tận tình, cháu đã tiến bộ rất nhiều. Hiện cháu không chỉ biết đọc, biết viết mà kiến thức theo từng lớp học, con cũng tiếp thu được phần nào. Trước đây, khi thấy con bị khuyết tật, tôi lo lắm sợ vào trường thầy cô không nhận, cháu học không tiếp thu được. Nhưng giờ nhìn con tiến bộ từng ngày, mừng lắm”.
Có mặt tại lớp 3A4, Trường Tiểu học Tân Long 1, nhìn sự hào hứng của các em học sinh khi tương tác trong giờ dạy của giáo viên, rất khó để nhận biết đâu là học sinh khuyết tật đang học hòa nhập. Bà Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những năm trước, trường có đến 6 học sinh khuyết tật theo học, nhưng đến năm học này chỉ còn 1 em. Nhờ các cô được tham gia tập huấn chương trình giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, nên trường đã biết cách để giảng dạy đối với học sinh khuyết tật. Với trường hợp học sinh khuyết tật giáo viên phải kiên trì giảng giải lại nhiều lần. Bên cạnh sự chủ động của giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi yêu cầu giáo viên bộ môn đối với học sinh khuyết tật phải có biện pháp hỗ trợ để các em có thể tiến bộ”.
Công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật không chỉ được các trường tiểu học chú trọng thực hiện, tại các trường mầm non phương pháp này cũng được đẩy mạnh. Là 1 trong 8 trường trên địa bàn thành phố Vị Thanh được triển khai hoạt động giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật từ dự án, bà Hồ Thị Tuyết Lài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, bộc bạch: “Hiện tại, qua tiến hành test theo bộ công cụ hướng dẫn của dự án trường phát hiện 4 trẻ có biểu hiện tăng động, giảm chú ý… Qua nhận biết được trẻ đang ở mức độ nào, giáo viên đã tiến hành điều chỉnh kế hoạch, phương pháp giảng dạy phù hợp với các em này. Theo tôi, đối với các trẻ khuyết tật nếu được phát hiện và can thiệp sớm ngay ở cấp mầm non sẽ giúp trẻ cải thiện rất nhiều, nhờ đó khi lên cấp tiểu học trẻ sẽ dễ theo kịp chương trình”.
Đẩy mạnh tiếp cận giáo dục cho trẻ khuyết tật
Từ khi được Tổ chức Liên minh Na Uy triển khai thực hiện Dự án giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2019-2022, chất lượng dạy và học ở Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh đã được nâng lên rất nhiều. Ông Nguyễn Kiến Trúc, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Trước đây, để giảng dạy ở trường các thầy, cô chỉ được học các kiến thức cơ bản để dạy cho trẻ khiếm thính, khiếm thị. Tuy nhiên, từ khi được triển khai dự án giáo viên được bồi dưỡng sâu về chuyên môn, hướng dẫn lập kế hoạch giảng dạy, thiết kế bài giảng, làm đồ dùng phục vụ giảng dạy… sao cho phù hợp. Thông qua bộ công cụ test xác định mức độ trẻ để can thiệp sớm, đã hỗ trợ giáo viên rất lớn trong việc xác định tình trạng của trẻ để có cách giảng dạy phù hợp”. Hiện tại, Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh có 30 trẻ đang tham gia học tập, trong đó có 1 trẻ khiếm thị, 29 trẻ khiếm thính.
Với mục tiêu đảm bảo mọi trẻ khuyết tật đều được can thiệp sớm và học tập đạt hiệu quả tại các trường mầm non, phổ thông năm 2019, Tổ chức Liên Minh Na Uy Việt Nam (Tổ chức NMA-V) đã triển khai dự án trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tại các trường, dự án đã hỗ trợ tập huấn về giáo dục hòa nhập cho 52 cán bộ quản lý, 238 giáo viên bậc mầm non, tiểu học và Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh.
Trong giai đoạn 3 năm thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với Tổ chức Liên Minh Na Uy tại Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ở các trường: hỗ trợ về cơ sở vật chất (xây dựng hồ bơi di động, sửa chữa nâng cấp nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Trương Định, thành phố Vị Thanh; trang bị phòng tâm vận động, thiết bị vận động ngoài trời và làm mái che cho Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh; hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng thư viện thân thiện và sách tham khảo dành cho 7 trường trong dự án); tập huấn nâng cao năng lực (tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về giáo dục hòa nhập cho 52 cán bộ quản lý, 238 giáo viên); tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm về mô hình giáo dục hòa nhập; nâng cao nhận thức cho phụ huynh và cán bộ địa phương (hàng năm tổ chức tập huấn, hội thảo về các nội dung giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cho phụ huynh và cán bộ địa phương).
Đánh giá về hiệu quả của dự án, bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhấn mạnh: “Qua thời gian triển khai, dự án đã cho thấy hiệu quả tích cực trong công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các trường. Nhiều trẻ được can thiệp, hỗ trợ đã tiến bộ và hòa nhập vào môi trường học tập cùng bạn bè, thầy cô và người thân. Riêng về các nội dung hoạt động của dự án phù hợp với chương trình giáo dục, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trong quá trình triển khai dự án đã nhận được sự hợp tác và đồng thuận cao của cha mẹ học sinh và cộng đồng”.
Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, chia sẻ thêm: Sở đang xây dựng kế hoạch xin tiếp tục thực hiện và mở rộng dự án. Nếu được thì giai đoạn 2023-2025, sẽ mở rộng hỗ trợ nâng cao năng lực trong công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cho cán bộ quản lý, giáo viên tại 2 huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ đối với bậc học mầm non và tiểu học. Song song đó, xây dựng đề án mở rộng chức năng phát hiện sớm, can thiệp sớm tại Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Ngành tiếp tục phối hợp với địa phương, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật…
Theo Báo Hậu Giang