Hậu Giang: Nuôi dưỡng ước mơ nghiên cứu khoa học

09/01/2024 - 10:21

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh đã dần trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp, góp phần khơi dậy niềm đam mê, sáng tạo của học sinh tỉnh nhà trong nhiều lĩnh vực...

Nghiên cứu khoa học giúp học sinh được cụ thể hóa ý tưởng thành nhiều sản phẩm hữu ích, có sản phẩm đã được doanh nghiệp tìm mua.

Nghiên cứu xong, có đầu ra luôn

Nhận thấy cá thát lát cườm có giá trị kinh tế cao, đầu ra tốt nhưng rất nhạy cảm với môi trường sống, qua hỗ trợ của giáo viên, em Nguyễn Minh Khôi, học sinh lớp 8A5, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A, nghiên cứu cho ra sản phẩm “Ứng dụng công nghệ IoT trong ươm cá thát lát cườm”.

 Minh Khôi chia sẻ về nghiên cứu của mình: “Trên thị trường có các hệ thống nuôi cá thát lát thay nước tự động, nhưng chưa có thiết bị kết hợp kiểm soát nhiệt độ nước và nồng độ chất rắn hòa tan trong nước. Chính vì vậy, em đã nghiên cứu để cho ra một sản phẩm ứng dụng công nghệ Iot vừa kiểm soát môi trường sống của cá về nhiệt độ, ánh sáng, nồng độ chất hòa tan, kiểm soát mực nước… Đối với sản phẩm này, có thể kiểm soát dễ dàng môi trường sống của cá thông qua điện thoại thông minh, sẽ hạn chế được tình trạng bệnh ở cá”.

Cũng xuất phát từ thực tế đời sống, mong muốn giúp người nông dân chủ động kiểm soát được tình trạng đất trồng lúa bị nhiễm phèn, Mai Nguyễn Gia Mỹ, học sinh lớp 9A11 và Vũ Trần Gia Huy, học sinh lớp 9A10, Trường THCS Thuận An, thị xã Long Mỹ, đã cho ra sản phẩm “Thiết kế và chế tạo Agro Robot, theo dõi giám sát, đánh giá tình trạng nhiễm phèn của đất chuyên trồng lúa nước tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”. Gia Mỹ tâm sự: “Tình trạng đất bị nhiễm phèn trồng lúa rất kém hiệu quả. Không chỉ vậy, đất nhiễm phèn không phát hiện kịp thời và theo dõi thường xuyên năng suất lúa không cao, còn gây tốn kém rất nhiều chi phí phân thuốc. Vì vậy, tụi em đã thiết kế ra sản phẩm tích hợp công nghệ thông minh để theo dõi, giám sát, đánh giá tình trạng đất nhiễm phèn trên đất ruộng”.

Không chỉ hướng vào phục vụ nông nghiệp, vận dụng kiến thức được học và hướng dẫn của giáo viên, Lê Nguyễn Gia Linh và Lê Ngọc Ngân, học sinh lớp 11A10, Trường THPT Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, đã đưa lên ý tưởng tạo ra sản phẩm “Mặt nạ thải độc và dưỡng da chiết xuất từ rau má và diếp cá”, phục vụ nhu cầu làm đẹp. Ngọc Ngân bộc bạch: “Em thấy việc làm đẹp là nhu cầu rất cần thiết đối với phụ nữ, trong đó việc sử dụng các sản phẩm mặt nạ dưỡng da luôn được quan tâm. Qua tìm hiểu và đã sử dụng một số mặt nạ dưỡng da, chúng em thấy rau má và rau diếp cá là 2 loại rau có tính mát, không chỉ có tác dụng dưỡng da mà còn thải độc hiệu quả. Vận dụng kiến thức được học, tụi em đã chọn các loại rau được trồng an toàn, tiến hành chưng cất lấy bột… để cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Hiện tại, sản phẩm của chúng em được một số khách hàng biết đến và một số spa lựa chọn để chăm sóc da cho khách”.

Tiếp lửa đam mê cho học sinh

Qua 11 năm liên tiếp tổ chức, Hội thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh nói chung và các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong học sinh trung học đã trở thành sân chơi quen thuộc và hấp dẫn đối với học sinh trung học. Đến nay, hoạt động này đã trở thành thường niên của các cơ sở giáo dục trung học, nhận được sự hưởng ứng của nhiều lực lượng xã hội, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về quan niệm dạy và học trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Trải qua chặng đường 11 năm, hơn 1.000 dự án nghiên cứu khoa học đã thực hiện, thu hút sự tham gia của gần 2.000 thí sinh. Kết quả quan trọng nhất mà chúng ta thu được không phải là số lượng dự án nghiên cứu khoa học, số giải thưởng, mà là hành trình phát triển phẩm chất năng lực của học sinh. Đặc biệt, là năng lực khoa học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay”.

Nếu trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh chỉ đơn thuần là làm các sản phẩm khắc phục một số khó khăn trong việc dạy và học, hoặc góp phần mang lại nhiều tiện ích trong sinh hoạt, thì những năm gần đây, nhiều lĩnh vực toàn cầu được học sinh chú trọng. Cụ thể như sản phẩm bảo vệ môi trường; chống biến đổi khí hậu gắn với chuyển đổi số; trí tuệ nhân tạo... đều được học sinh tập trung nghiên cứu.

Ngoài ra, nhiều dự án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết bài toán nâng cao kỹ năng sống cho học sinh trong thế kỷ 21, như giải quyết tình trạng bạo lực học đường; văn hóa mạng; quảng bá đặc sản…

“Hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã góp phần khẳng định vị thế của giáo dục Hậu Giang với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước. 10 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử 40 dự án thi cấp quốc gia, với kết quả đạt được 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 16 giải khuyến khích và 45 giải đặc biệt, giải triển vọng. Các tỉnh, thành trong cả nước đã “dè chừng” với thương hiệu nghiên cứu Hậu Giang tại các cuộc thi lớn”, ông Hiền chia sẻ thêm.

Bằng sự chủ động của học sinh, cùng sự tận tình của giáo viên tin rằng, nghiên cứu khoa học ở các trường sẽ trở thành sân chơi hấp dẫn, giúp học sinh thể hiện năng lực, cụ thể hóa ý tưởng thành nhiều sản phẩm, dự án hữu ích.

Qua 11 năm tổ chức, Hội thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh có hơn 1.000 dự án nghiên cứu khoa học, của gần 2.000 thí sinh tham gia.

Tại hội thi cấp quốc gia qua 10 năm tham gia, tỉnh đã cử 40 dự án thi, với kết quả đạt được 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 16 giải khuyến khích và 45 giải đặc biệt, giải triển vọng.

Theo MỸ XUYÊN (Báo Hậu Giang)