Hậu Giang: Nuôi thủy sản theo hướng an toàn

04/03/2023 - 09:24

Từ sự định hướng, hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, thời gian qua, nhiều nông dân nuôi thủy sản ở thị xã Long Mỹ đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP giúp lươn lớn đều và nhanh hơn kiểu truyền thống.

Từ mô hình nuôi lươn truyền thống, nhiều hộ dân ở xã Tân Phú, thị xã Long Mỹ, đã áp dụng thành công mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổ hợp tác (THT) nuôi lươn ở ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, hiện có 20 thành viên. Ông Trần Văn Chiến là Chủ nhiệm THT nuôi lươn này.

Là hộ có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi lươn giống và thương phẩm, trước đây ông Chiến thường lấy lươn bố mẹ trong tự nhiên cho sinh sản và nuôi trong bùn, hao hụt hơn 70% số lượng lươn thả nuôi, thậm chí nhiều năm lươn chết gần hết, thua lỗ nặng. Cách đây 3 năm, ông và nhiều hộ dân khác tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao” và hỗ trợ kỹ thuật nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP do Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ triển khai. Với diện tích hơn 50m2, ông Chiến đầu tư kinh phí làm mái che, đường ống nước, xây bồn bê tông, lót bạt… Mỗi năm ông xuất bán trên 2,5 tấn lươn thịt, trừ chi phí còn lợi nhuận 120 triệu đồng/năm.

Ông Chiến cho biết: “Để tạo môi trường gần giống với tự nhiên, tôi lấy ni-lông làm chỗ cho lươn ẩn náu. Ở giữa hoặc bên cạnh bồn đặt lưới sắt nổi trên mặt nước để cho lươn ăn hàng ngày. Thức ăn gồm: thức ăn viên công nghiệp, men tiêu hóa… thả vào bồn cho lươn ăn. Vì lươn rất mẫn cảm với môi trường sống, thức ăn dư trong bồn phải được vớt ra ngoài, nếu để lâu thức ăn sẽ phân hủy gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Mỗi ngày, phải thay nước 1 lần để bảo đảm nước luôn sạch cho lươn phát triển. Đặc biệt, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trong quá trình nuôi để phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng khi xuất bán”.

Hiện nay, nông dân trong THT nuôi lươn ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, canh tác trên diện tích 800m2, sản lượng xuất bán 60 tấn/năm. Thành viên nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP tuân thủ về kỹ thuật, cách chăm sóc. Điều quan trọng nhất là chọn nguồn giống sạch bệnh. Ông Lê Văn Hớn, ở ấp Tân Hòa, tham gia THT nuôi lươn và thả nuôi trên 5.000 con lươn mỗi vụ. Với phương pháp nuôi theo quy trình VietGAP, sau mỗi vụ ông thu được lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. 

Ông Hớn cho hay: “Kinh nghiệm rút ra sau thời gian nuôi lươn thương phẩm không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP đó là giảm chi phí đầu tư bồn (bể) nuôi sau mỗi đợt nuôi, vệ sinh bể nuôi dễ dàng, không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng và phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch dễ dàng, ít tốn nhân công và chi phí so với cách nuôi truyền thống. Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP giúp người tiêu dùng sử dụng được những sản phẩm chất lượng”.

Ông Trịnh Minh Tình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ cho biết, Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Tân Phú bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Phòng Kinh tế sẽ phối hợp với UBND xã Tân Phú tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ vốn, kỹ thuật, con giống để giúp các hộ nuôi lươn truyền thống chuyển đổi sang mô hình nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lươn giống và thương phẩm, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Còn ông Lê Hoàng Duyên, ở ấp Bình Thuận, xã Long Bình, đang nuôi 7 ao cá thát lát còm với khoảng 700.000 con. Là hộ có nhiều kinh nghiệm nên ông Duyên cho rằng cá thát lát rất dễ nuôi, dễ chăm sóc và không cần nguồn nước thật sạch như một số loài cá khác. Mỗi ao nuôi, ông đào sâu khoảng 2m. Mực nước phải giữ cao vì vậy cứ vài ngày phải bơm nước vào một lần. Hiện thức ăn cho cá mà ông Duyên sử dụng phần lớn là thức ăn công nghiệp, thường xuyên bổ sung vitamin C và men tiêu hóa cho cá. Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Thức ăn rải đều trên mặt ao với tỷ lệ 10kg (sáng), 15kg (chiều). Với giá thành sản xuất khoảng 40.000 đồng/kg cá nguyên liệu và giá thị trường hơn 70.000 đồng/kg như hiện nay giúp người nuôi lãi hơn 40%.

“Việc nuôi cá thát lát bằng thức ăn công nghiệp có thể chủ động được nguồn thức ăn, đồng thời nuôi trong ao như vậy nguồn nước ít bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, khỏe. Sử dụng thức ăn công nghiệp thì tỷ lệ thành công đạt hơn 87%, trong khi sử dụng thức ăn tươi sống từ cá tạp thì hao hụt sẽ nhiều, giá thành cao, môi trường nước lại ô nhiễm. Nuôi cá bằng thức ăn tươi sống thì tỷ lệ thành công rất thấp”, ông Duyên cho biết.

Hiện ông Duyên còn thả nuôi cá rô phi, cá sặc rằn ghép với cá thát lát còm, để giúp cải tạo ao nuôi do cá sặc rằn ăn rong, hạn chế ô nhiễm nguồn nước… Ngoài ra, ông Duyên còn liên kết với đại lý của một công ty trong tỉnh cung cấp thức ăn công nghiệp và bao tiêu đầu ra cá thát lát thương phẩm. Công ty này còn xây dựng nhà thí nghiệm, cử cán bộ kỹ thuật trực tại ao nuôi để theo dõi sự sinh trưởng của cá thát lát, phân tích mẫu bệnh, dư lượng kháng sinh để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Anh Phạm Duy Kha, cán bộ khuyến nông xã Long Bình, cho biết: Hiện UBND xã đã gửi hồ sơ và thủ tục cho Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ để hỗ trợ sản phẩm cá thát lát của cơ sở ông Duyên đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cơ sở này đang xin thủ tục mở rộng thêm diện tích nuôi 2ha ở ngọn Xẻo Trâm và mở cơ sở chế biến cá thát lát, hướng tới đăng ký xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Những mô hình nuôi thủy sản đang được triển khai thực hiện ở thị xã Long Mỹ góp phần cho định hướng sản xuất nông sản sạch, an toàn, giúp cho nền kinh tế nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng an toàn, bền vững. Ông Trịnh Minh Tình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, cho biết thêm: “Chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu; sử dụng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp tập trung hơn trong xây dựng mô hình mới đồng thời lồng ghép các nguồn vốn khác, để xây dựng những mô hình chất lượng tốt để người dân tham quan nhân rộng. Duy trì và tiếp tục phát triển hàm lượng khoa học công nghệ trong các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong thời gian qua đã triển khai như: ứng dụng thêm công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ tự động trong sản xuất, nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, sẽ tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, gắn kết việc thực hiện dự án, mô hình trên địa bàn thị xã và tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất thực hiện chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao”.

Theo Báo Hậu Giang