Hậu Giang: Phát triển nông nghiệp theo chiều sâu

28/03/2023 - 08:25

Bước sang năm thứ hai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU của Huyện ủy về “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025”, huyện Phụng Hiệp đang có nhiều tiềm năng phát triển theo hướng nông nghiệp đi vào chiều sâu và du lịch cộng đồng.

Huyện Phụng Hiệp đang có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp theo hướng đi vào chiều sâu và du lịch cộng đồng.

Gam màu sáng trong phát triển nông nghiệp

Thời gian qua, huyện Phụng Hiệp tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng diện tích lúa năm qua hơn 45.146ha, năng suất trung bình ước đạt 6,72 tấn/ha; tổng sản lượng lúa thu hoạch khoảng 303.557 tấn. Toàn huyện có 11.480ha đất trồng cây ăn trái, năng suất ước đạt 160.550 tấn, đạt 126,42% so với kế hoạch. Diện tích nuôi trồng thủy sản là 5.525ha, đạt 108,7% kế hoạch. Tiếp tục vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng giống mới có năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện của địa phương, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Năm qua, giá trị sản xuất đạt 3.892 tỉ đồng, tăng 4,01% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 146,2 triệu đồng/năm, tăng 9,5%.

Từ năm 2022 đến nay, huyện Phụng Hiệp đã phát triển mới 2 hợp tác xã, đạt 100%, nâng tổng số hợp tác xã lên 53 và 3 chi nhánh của hợp tác xã từ nơi khác đến, 158 tổ kinh tế hợp tác và 14 câu lạc bộ sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt việc phát triển các vùng chuyên canh gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong năm qua, được công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Toàn huyện có 30 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người dân và doanh nghiệp tăng thu nhập.

Đáng chú ý, sau 3 năm triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thực hành chuỗi giá trị mãng cầu gai (Annona muricata L.) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”, do tiến sĩ Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học công nghệ tỉnh là tổ chức chủ trì. Dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng mãng cầu gai được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho xã viên của Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, với quy mô 23,7ha, năng suất trung bình 30 tấn/ha.

Ngoài cây mãng cầu xiêm thì hiện nay huyện Phụng Hiệp cũng còn 7 loại nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là: lúa, chanh không hạt, dưa lưới, mít, khóm MD2, vú sữa hoàng kim và cá thát lát. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh xây dựng được 17 mã số vùng trồng. Trong đó, có 15 mã số vùng trồng dưa hấu, nhãn Ido, mít, sương sáo… được cấp để xuất sang Trung Quốc và 2 mã số được cấp trên cây chanh không hạt xuất sang châu Âu.

Giải pháp mới để bứt phá vươn lên

Theo ông Lê Như Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 05-NQ/HU trong thời gian tới, huyện phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tích cực thực hiện đồng thời nhiều giải pháp trọng tâm như hoàn chỉnh quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Huyện đã xác định “phát triển nông nghiệp bền vững là giải pháp giúp gia tăng giá trị sản phẩm, dần tiến đến nền nông nghiệp hữu cơ”. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản chủ lực của huyện gắn liền với quy hoạch để hình thành vùng chuyên canh, chất lượng cao thì đều phải thông qua mô hình kinh tế hợp tác, mà nhất là hợp tác xã.

“Về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, huyện tập trung đầu tư, khai thác và phát triển những điểm, tuyến du lịch nông nghiệp sẵn có để tạo điểm nhấn quảng bá sản phẩm, thương hiệu của vùng trong du lịch nông thôn. Tăng cường kết nối, đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, tham quan nghỉ dưỡng. Cùng với đó là tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ xây dựng, triển khai “Thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao an toàn, hữu cơ theo chuỗi giá trị trên các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao” gắn với du lịch trong năm 2023; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour tuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm”, ông Lê Như Lê cho biết thêm.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp: Mục tiêu của Nghị quyết số 05, phấn đấu đến năm 2030 huyện Phụng Hiệp có giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,5%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 38,92%. Nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiếu 2 lần so với năm 2020.

Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung chỉ đạo sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm phục vụ tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân bằng nhiều hình thức hỗ trợ, đổi mới, đa dạng. Giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng với hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.

Đối với lĩnh vực du lịch, địa phương đang phát triển mạnh mô hình nuôi động vật hoang dã như: ba ba hoa, ba ba Nam bộ, trăn đất, rắn ri voi, rắn ri cá, chim trĩ đỏ, chồn hương, nhím… Những mô hình này vừa giúp tăng thu nhập cho người dân, vừa giúp bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, bảo tồn nguồn gen; đồng thời thu hút du khách tham quan. Xây dựng các mô hình, các điểm tham quan, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp địa phương, các sản phẩm đạt OCOP để du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp trên địa bàn.

Trong năm 2023, huyện Phụng Hiệp tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ kết hợp thủy sản gắn du lịch sinh thái”, “Sản xuất nông nghiệp kinh tế tuần hoàn kết hợp du lịch sinh thái”, “Sản xuất lúa an toàn kết hợp trồng hoa kiểng gắn du lịch sinh thái”… nhằm tạo nên nhiều điểm đến cho khách du lịch đến tham quan, ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm, thưởng thức nét đặc trưng của du lịch miền sông nước…

Theo Báo Hậu Giang