Các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng xây dựng thực hiện các mô hình, điển hình dân vận khéo trong đạo đức công vụ, cải cách hành chính...
Theo ông Trần Văn Thiệu, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, thực tiễn trong những năm qua cho thấy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn quan tâm quán triệt, triển khai các phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, chú trọng xây dựng thực hiện các mô hình, điển hình dân vận khéo trong đạo đức công vụ, cải cách hành chính, minh bạch công khai các thủ tục hành chính, công tác giảm nghèo, cũng như phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh phát huy, nêu gương vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, công tác dân vận khéo, cùng với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai, thực hiện có hiệu quả. Điều đó, được thể hiện thông qua các hình thức, cuộc thi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, hội viên.
Đến nay, toàn tỉnh duy trì, nhân rộng và xây dựng được 11.679 mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. Trong đó, có 2.821 mô hình lĩnh vực kinh tế; 5.521 mô hình lĩnh vực văn hóa - xã hội; 1.641 mô hình lĩnh vực quốc phòng - an ninh; riêng lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có 1.876 mô hình. Qua các mô hình đã phần nào cho thấy, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sự chuyển biến tích cực, rõ nét về phương thức, phong cách làm việc, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo ông Trần Văn Thiệu, công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị thực hiện nhiệm vụ, quy chế dân chủ được tăng cường, sát với cơ sở. Đồng thời, tập trung vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện được nhiều mô hình trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng những làng nghề, buôn bán nhỏ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xuất hiện nhiều mô hình tập thể và cá nhân làm kinh tế có hiệu quả, đã vận động các nguồn lực giúp đỡ cho người nghèo, những hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, vận động Nhân dân đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu xây dựng nông thôn mới, các công trình phúc lợi cộng đồng; thực hiện các thiết chế văn hóa, cũng như việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục đạt kết quả cao trong thời gian tới, ông Trần Văn Thiệu cho rằng, phải có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, sự phối hợp đồng bộ của chính quyền, Mặt trận với các đoàn thể và người đứng đầu, cán bộ, quản lý. Nội dung lựa chọn xây dựng mô hình, điển hình dân vận khéo hướng vào nhiệm vụ chính trị, những vấn đề khó, bức xúc, quan tâm của cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và Nhân dân.
Nội dung xây dựng mô hình, điển hình cũng phải được lựa chọn, có tính khả thi cao và phải thực sự phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân và có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội, tạo thành các phong trào quần chúng mạnh mẽ. Chú trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, gắn với tuyên truyền, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực đời sống, xã hội...
Theo GIA NGUYỄN (Báo Hậu Giang)