Mô hình trồng xen canh hạnh và mít giúp ông Nguyễn Tuấn Kiệt, ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện xây dựng NTM là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập và giảm nghèo hiệu quả cho người dân. Vì lẽ đó mà trong những năm qua, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là vận động người dân cải tạo vườn tạp, khu vực trồng lúa kém hiệu quả để chuyển sang canh tác những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Nhờ triển khai có hiệu quả giải pháp trên nên hiện nay có không ít hộ dân thoát nghèo bền vững nhờ vào mô hình sản xuất của mình.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, trước đây từng là hộ nghèo của xã Thuận Hưng, vẫn còn ngậm ngùi nhớ lại khoảng thời gian khó khăn trước đây. Ông Kiệt cho biết: “Gia đình tôi đơn chiếc, chỉ có một mình tôi ở nhà, nhưng do trước đó làm vườn nhiều năm nhưng không hiệu quả nên cứ mãi khó khăn, không khá lên được”.
Thấy được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, gợi ý các mô hình hiệu quả để giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng với sự tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ báo đài, từ những bạn bè, ông Kiệt đã mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất sang trồng hạnh xen với mít ruột đỏ và mít Thái. Đây là mô hình phù hợp, lấy ngắn nuôi dài, ước thu nhập của vườn hạnh là khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, ông Kiệt dùng số đó để đầu tư cho vườn mít bằng hệ thống tưới tự động của mình. “Từ khi thực hiện mô hình này, kinh tế gia đình tôi phát triển ổn định hơn, từ đó chất lượng cuộc sống cũng được nâng cao”, ông Kiệt chia sẻ thêm.
Mô hình trồng cây ăn trái đã mang lại kết quả tích cực cho nhiều bà con, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo hiệu quả, vươn lên làm giàu. Các hộ dân đã áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến như trồng xen canh, sử dụng phân bón hữu cơ, tưới nhỏ giọt, và sử dụng chế phẩm sinh học. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất để tăng lợi nhuận, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh còn áp dụng thành công nhiều mô hình mới, chọn các loại cây trồng hay giống vật nuôi mới để phát triển sản xuất, điển hình như ông Thái Thành Lập, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, có nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia mô hình nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi giá trị và truy xuất nguồn gốc do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang triển khai.
“Từ 200 con gà giống ban đầu, đến nay sau hơn 2 năm chăm sóc, đàn gà mái đủ tiêu chuẩn lấy trứng của tôi đã có khoảng 240 con, từ 3 lò ấp ban đầu đến hiện tại đã tăng lên 5 lò ấp. Trung bình, tôi thu về khoảng 32 triệu đồng/tháng nhờ đàn gà của mình”, ông Lập thông tin thêm.
Về giải pháp giảm nghèo, hàng năm tỉnh đã tổ chức nhiều buổi đối thoại giữa lãnh đạo xã với những hộ nghèo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, cho rằng ý thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nhất là việc cải tạo vườn tạp đang có chuyển biến tích cực. Nhờ vậy mà trong thời gian qua, năng suất, sản lượng nông sản không ngừng tăng, kéo theo nguồn thu nhập được nâng cao nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã và đang ngày càng phát triển, đó là kết quả từ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho bà con.
Hiện tại, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 75,6 triệu đồng/năm, với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,36%. Các tuyến đường giao thông nông thôn đã được nâng cấp, bê tông hóa, giúp thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Kinh tế hộ gia đình được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.
Theo MAI THANH (Báo Hậu Giang)