HỖ TRỢ HỘI VIÊN, NÔNG DÂN VƯỢT KHÓ
Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được xác định là phong trào trọng tâm của Hội. Theo đó, các cấp Hội đã xây dựng và phát triển tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đến nay đạt trên 90 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương ủy thác thực hiện 26 dự án cho 422 hộ vay, số tiền hơn 14,8 tỷ đồng; vốn tỉnh quản lý thực hiện 34 dự án cho 593 hộ vay, với số tiền 16,5 tỷ đồng; vốn huyện, xã quản lý hiện đang hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất cho trên 6.900 hộ vay, với số tiền trên 50 tỷ đồng. Các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, kinh tế nông nghiệp phát triển, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang thực hiện công trình “Tuyến đường cây xanh nông dân”, góp phần vào quá trình xây dựng NTM tại địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, có 164/164 cơ sở Hội đã thực hiện nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua tổ chức Hội đạt trên 1.844 tỷ đồng (tăng trên 982 tỷ đồng so với cuối năm 2014), thông qua 1.145 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 47.624 lượt hội viên tham gia vay vốn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn cho biết: “Nông dân chiếm gần 70% dân số của tỉnh. Cùng với nông dân cả nước, nông dân Tiền Giang tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất và xây dựng NTM, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp của nông dân đang ngày càng được nâng cao.
Tư duy sản xuất - kinh doanh cũng liên tục đổi mới và dần thích ứng với nền kinh tế thị trường. Nông dân đã phát huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng NTM, hợp tác và liên kết trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát triển ngành, nghề nông thôn; đóng góp tích cực vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nông thôn; đồng thời, đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông và vận chuyển hàng hóa nông sản”.
Đồng thời, Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tiền Giang thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng trên 2.567 tỷ đồng, thông qua 1.304 Tổ Liên danh vay vốn, với 30.041 hộ vay vốn; trong đó, nợ quá hạn 4,4 tỷ đồng, chiếm 0,17%.
Công tác đào tạo nghề cho nông dân được các cấp Hội quan tâm. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức được 217 lớp dạy nghề thông qua Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cho 6.510 lượt hộ nông dân, với tổng kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng. Qua kết quả khảo sát, sau học nghề có trên 85% hộ nông dân tự tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
NÂNG CAO ĐỜI SỐNG, XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang luôn giữ vững vai trò “cầu nối” giữa chính quyền và nông dân, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân. Hội đã chủ động tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp ý kiến vào các chính sách liên quan đến nông dân. Trong đó, các cấp Hội đã vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong thời điểm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng nông dân vẫn tích cực góp công, kinh phí, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tích cực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân trong bảo vệ môi trường nông thôn; tuyên truyền, vận động hội viên sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, phương pháp phân loại, xử lý rác thải; hướng dẫn xây dựng mới 164 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng NTM và đô thị văn minh. Kết quả, hội viên, nông dân đã hiến 303.959 m² đất và vật kiến trúc, đóng góp 47.814 ngày công lao động và hơn 170 tỷ đồng để xây dựng và nâng cấp 606,855 km đường giao thông nông thôn, xây dựng mới và sửa chữa 809 cầu, cống. Các cấp Hội cũng đã vận động hội viên đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”, với trên 249.560 hộ đạt danh hiệu này, góp phần vào mục tiêu chung của tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang ra quân thực hiện và nhân rộng công trình “Vệ sinh môi trường” đến các Hội cơ sở.
Phong trào văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao trong nông dân cũng được đẩy mạnh. Hằng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền, Hội thi “Tiếng hát đồng quê”, Liên hoan “Đờn ca tài tử nông dân” và các Hội thi “Nhà nông đua tài” cấp huyện và tỉnh… Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần ở khu vực nông thôn từng bước được cải thiện.
Hội Nông dân các cấp phối hợp với các ban, ngành và doanh nghiệp để vận động hội viên tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tự nguyện. Hội cũng triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh xã hội và hỗ trợ hội viên gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Các cấp Hội đã phối hợp với Công ty Bảo hiểm PVI Nam Sài Gòn và Bảo hiểm xã hội tỉnh để tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Với nỗ lực không ngừng của Hội Nông dân và sự chung tay của người dân, nhiều địa phương ở Tiền Giang đã đạt được thành tựu đáng kể trong xây dựng NTM. Đến tháng 6-2024, toàn tỉnh có 138/138 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (giảm 4 xã đã được nâng thành phường), trong đó có 51 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 6/8 huyện đạt chuẩn huyện NTM. Các cấp Hội cũng triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được hội viên, nông dân hưởng ứng tích cực.