Kỹ sư Lê Hoàng Hợp, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Qua khảo sát sơ bộ tại vùng U Minh Hạ, cá đồng được người dân khoanh nuôi trong hệ thống kênh mương ở các lâm phần trồng rừng và nuôi cá đồng kết hợp với trồng 1 vụ lúa. Hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh với nhiều chủng loại cá đồng trên cùng diện tích. Người dân xây dựng hệ thống kênh mương, ao, đìa rồi thả cá giống cho sinh sản tự nhiên, không có nhiều tác động kỹ thuật. Cá giống thả mật độ tuỳ ý, có hộ nuôi cho ăn bổ sung, các biện pháp quản lý và phòng trị bệnh cho cá chưa được chú trọng đúng mức... Cách nuôi như thế dẫn đến năng suất thu hoạch không ổn định, hiệu quả kinh tế thấp và thiếu bền vững”.
Ðể khắc phục các hạn chế về mặt công nghệ và kỹ thuật trên các mô hình nuôi cá đồng, hướng đến nhân bản lại nguồn lợi cá đồng đang dần khan hiếm ở địa phương; đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện các nội dung của dự án... hiện nay cơ quan chủ trì đã cử đội ngũ nhân viên kỹ thuật có chuyên môn sâu trong lĩnh vực nuôi thuỷ sản tham gia thực hiện dự án. Bên cạnh đó, đề xuất lựa chọn chuyển giao, ứng dụng thêm các quy trình công nghệ để sản xuất giống cá đồng, bao gồm quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá trê vàng, cá lóc và cá rô đồng của địa phương đã được các chuyên gia Khoa Thuỷ sản của Trường Ðại học Cần Thơ nghiên cứu xây dựng. Các quy trình công nghệ này đã được chuyển giao, ứng dụng thành công, được đánh giá là những quy trình công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn giống đang được lai tạo, sẽ cung cấp đến các hộ nuôi trong thời gian tới.
Theo đó, Trung tâm đã triển khai xây dựng mô hình nuôi thương phẩm kết hợp cá trê vàng, cá rô đồng và cá lóc theo hình thức quảng canh cải tiến. Quy mô diện tích nuôi cá đồng là 300 ha mặt nước, ở các xã: Khánh Bình Ðông (40 ha, có 25 hộ tham gia), Khánh Hưng (40 ha, có 21 hộ tham gia), Trần Hợi (40 ha, có 60 hộ tham gia), Khánh Hải (40 ha, có 20 hộ tham gia), thuộc huyện Trần Văn Thời; Khánh Lâm (30 ha, có 15 hộ tham gia), Khánh Thuận (60 ha, có 35 hộ tham gia), Nguyễn Phích (40 ha, có 28 hộ tham gia), Khánh An (31,5 ha, có 15 hộ tham gia), thuộc huyện U Minh. Năng suất bình quân đạt 300 kg/ha/vụ trên 3 đối tượng nuôi; tổng sản lượng đạt 90 tấn/vụ.
“Muốn cá đồng phát triển tốt, trước tiên vấn đề cần quan tâm là mật độ thả cá giống phải thấp và có phương pháp quản lý, chăm sóc. Chủ yếu là cải tạo các điều kiện môi trường để cho cá sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên, giảm các yếu tố bất lợi tác động và xử lý kỹ thuật. Thành lập các tổ hợp tác liên kết sản xuất, nhằm đề cao vai trò quản lý hỗ trợ mô hình từ cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh, an toàn, phòng tránh việc đánh bắt cá nuôi trái phép. Ðặc biệt, phần cải tiến của mô hình nuôi cá đồng thương phẩm của dự án so với hình thức nuôi cá đồng truyền thống, bao gồm các khâu tác động kỹ thuật như: có thả con giống; có bố trí phương tiện, diện tích nuôi dèo cá giống giai đoạn đầu để thuần hoá trong môi trường, tăng kích cỡ cá giống, dễ quản lý, chăm sóc, từ đó tránh thất thoát, hao hụt do cạnh tranh trong lưới thức ăn hoặc các tác động xấu của môi trường, từ đó sẽ nâng cao tỷ lệ sống của cá đồng thả nuôi”, Kỹ sư Lê Hoàng Hợp cho biết.
Nguồn giống khoẻ mạnh, lai giống từ nguồn giống bố mẹ tại địa phương.
Từ năm 2000 đến nay, diện tích và sản lượng cá đồng của tỉnh giảm mạnh. Những vùng trọng điểm của tỉnh như U Minh, Trần Văn Thời hiện đã cạn nguồn lợi cá đồng tự nhiên. Hiện mô hình này đang được người dân, nhất là những hộ thụ hưởng đồng tình cao. Nhân rộng, bảo vệ nguồn lợi cá đồng là góp phần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Với con giống được lấy hoàn toàn từ nguồn cá giống ở địa phương, dự án mong muốn sẽ góp phần nâng cao chất lượng cá đồng thương phẩm tương đương với cá đồng khai thác ngoài tự nhiên, theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã xuất hơn 30 ngàn con giống, gồm cá trê vàng, cá lóc, cá rô, cho các hộ dân trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh. Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai con giống đến các xã thuộc dự án gồm: Khánh Lâm, Khánh Thuận, Nguyễn Phích, huyện U Minh và Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Ðông, Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
Theo KIM CƯƠNG (Báo Cà Mau)