Hướng đi mới của nhà nông

06/02/2025 - 09:57

Trong bối cảnh nông nghiệp hiện đại, việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất chú trọng số lượng sang chất lượng đang trở thành xu hướng tất yếu. Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã vận dụng tư duy này vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, nhiều bà con nông dân đã tập trung vào chất lượng và lợi nhuận thay vì số lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thích, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) Lúa gạo Xà No Mekong, người từng dẫn dắt HTX Tân Long tạo dựng thương hiệu gạo sạch Vị Thủy nổi tiếng, chia sẻ: “Thực tế cho thấy, việc sản xuất lúa theo hướng thông minh, thân thiện với môi trường không chỉ nâng cao chất lượng hạt gạo mà còn đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường quốc tế. Do đó, sản phẩm gạo của HTX đã đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, mở ra nhiều cơ hội mới cho bà con nông dân”.

Liên hiệp HTX Lúa gạo Xà No Mekong đã liên kết với nhiều HTX thành viên để xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị, với diện tích thực hiện gần 600ha trong vụ Đông xuân tại 3 huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp. Việc này không chỉ giúp giảm giá thành sản xuất mà còn tăng lợi nhuận cho nông dân thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các cơ quan, doanh nghiệp.

Tương tự, tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con. Theo thống kê, trên địa bàn xã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho thu nhập từ 110-200 triệu đồng/năm, đặc biệt là các mô hình trồng rau màu như cây hẹ và trồng cây ăn trái như sầu riêng.

Chị Võ Thị Vui, một nông dân trồng rau màu ở xã Vị Thắng, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng lúa, thu nhập bấp bênh do giá cả không ổn định. Sau khi chuyển sang trồng rau màu, thu nhập cao hơn nhiều. Nhờ chất lượng rau được đảm bảo, sản phẩm của chúng tôi được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ dễ dàng tại các điểm chợ và siêu thị trên địa bàn”.

Việc chú trọng vào chất lượng sản phẩm đã giúp nhiều nông dân trong xã có thu nhập ổn định và cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 3 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao như giỏ bán nguyệt, dầu gội dược liệu N22 và gỗ thủ công mỹ nghệ Sơn Thủy, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. 

Việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất số lượng sang chất lượng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Thích nhấn mạnh: “Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững là xu hướng tất yếu. Chúng tôi khuyến khích nông dân áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện với môi trường, giảm sử dụng hóa chất và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng”.

Ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, cho rằng: Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền và sự ủng hộ, tiếp thu nhanh chóng từ bà con nông dân nên thu nhập bình quân đầu người tại xã Vị Thắng đã đạt hơn 73,5 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024, tăng gần gấp đôi so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn xã hiện giảm còn 1,73%, tạo đà để xã tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM, hướng đến xã NTM kiểu mẫu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho người dân địa phương”.

Việc chuyển đổi tư duy sản xuất từ chú trọng số lượng sang chất lượng đã và đang mang lại những thay đổi tích cực cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Không chỉ gia tăng lợi nhuận, nâng cao đời sống, mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

Theo Báo Hậu Giang