Món ngon từ cây thốt nốt
Cây thốt nốt là một loại cây đặc trưng của vùng Bảy Núi, gắn bó với người dân từ bao đời nay. Đây là loại cây có nhiều công dụng về giá trị kinh tế, như: lá cây sẽ được dùng để lợp nhà, dừng vách nhà, làm chuồng nuôi dơi; thân cây dùng để sản xuất các loại đồ dùng gia dụng, như: đũa, muỗng, vá… và đồ thủ công mỹ nghệ; nước thốt nốt được lấy từ lưỡi mèo (phần hoa) được chế biến thành đường. Đường thốt nốt với vị ngọt thanh, ăn vào không quá gắt như đường cát, có mùi thơm, béo, từ lâu trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng khắp cả nước. Phần "cơm" nằm trong trái còn được người dân sáng tạo các món ăn hấp dẫn, như: bánh bò thốt nốt, chè thốt nốt… đặc biệt là sự xuất hiện của mứt thốt nốt, mứt thốt nốt sữa.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ khóm 1, thị trấn Tri Tôn, một trong những người nâng giá trị trái thốt nốt) cho biết, ở huyện Tri Tôn, trái thốt nốt được tiêu thụ mạnh từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 5 (âm lịch). Do thời gian này là cao điểm của mùa du lịch, nên du khách gần xa khi đến đây ngoài tham quan du lịch sẽ mua các sản phẩm từ thốt nốt, một đặc sản của địa phương về làm quà tặng cho bạn bè, người thân rất nhiều. Tuy nhiên sau khoảng thời gian này, trái thốt nốt rất khó bán do lượng du khách giảm.
“Thấy tình trạng như vậy, nên tôi đã nghĩ đến việc làm mứt thốt nốt. Sản phẩm sau khi làm ra, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè, người thân dùng thử và nhận được nhiều phản ứng tích cực. Cho nên, tôi quyết định sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường và được thị trường đón nhận rất tích cực” - chị Tuyết vui vẻ chia sẻ.
Công phu đầu bếp
Chứng kiến quá trình làm mứt thốt nốt mới biết sự công phu của người đầu bếp trong giai đoạn chế biến để làm ra được mứt thốt nốt. Nhìn chung, các công đoạn để làm nên mứt thốt nốt cũng giống như mứt dừa, tuy nhiên để có được sản phẩm thơm ngon, điều đầu tiên và quan trọng nhất là lựa chọn những trái thốt nốt không quá non, cũng không được quá già. Lý giải điều này, chị Tuyết cho biết, nếu sử dụng trái quá già, mứt làm ra sẽ bị cứng và rất khó ăn; nếu lựa trái non sẽ chảy nước, nhảo dính.
Sau khi chọn được trái thốt nốt đủ chuẩn, công việc kế đến là tách lấy phần thịt bên trong, rửa sạch, cắt cơm đó thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Phần nguyên liệu được trộn với đường cát, theo tỷ lệ 1kg thốt nốt - 1/2kg đường. Đôi khi, người đầu bếp cho thêm sữa vào để tăng hương vị cho sản phẩm. Phần hỗn hợp được đặt lên chảo và sên đều. Đun cho đến khi hỗn hợp sôi thì bắt đầu giảm lửa nhỏ dần, dùng đũa đảo để vừa chín đều màu và không bị cháy. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên đảo quá nhiều vì thốt nốt đang khô dần sẽ dễ bị gãy vụn. Trung bình, mỗi mẻ mứt phải sên trong khoảng thời gian từ 2-3 giờ.
Sau khi thành phẩm, thốt nốt sẽ từ màu trắng đục chuyển sang màu vàng đậm rất bắt mắt, mùi thơm đặc trưng. Trung bình cứ 4-5kg cơm thốt nốt tươi sẽ cho ra 1kg mứt. Mứt thốt nốt thoạt nhìn giống mứt dừa, tuy nhiên khi thưởng thức sẽ cảm nhận được hương vị khác nhau rõ ràng giữa 2 loại mứt này. “Mứt thốt nốt không béo ngậy nên lâu ngán hơn so với mứt dừa. Mứt thốt nốt thường dai, có hương vị độc đáo. Hiện trên thị trường, 1kg mứt thốt nốt sẽ được bán với giá 250.000 đồng” - chị Tuyết chia sẻ. Trước đây, người dân ở huyện Tri Tôn chỉ làm mứt thốt nốt để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Những năm gần đây, người tiêu dùng đã biết nhiều đến sản phẩm, khâu tiêu thụ ổn định nên gia đình chị Tuyết phải chế biến quanh năm.
Hiện nay, sản phẩm mứt thốt nốt đã có mặt ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, thậm chí khách hàng ở các thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội… thường đặt hàng sản phẩm này, nhưng để có thể thưởng thức được sản phẩm, nhiều người phải đặt trước trong một thời gian mới có hàng. Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, chị Tuyết cho biết sẽ cho ra thị trường các loại mứt thốt nốt mang hương vị mới; thêm vào đó là các sản phẩm mới từ cây thốt nốt để phục vụ nhu cầu ẩm thực đa dạng của người tiêu dùng, cũng như làm phong phú thêm các sản phẩm từ cây thốt nốt.
ĐỨC TOÀN