Khám phá vùng đất ông Thoại!

04/03/2021 - 09:50

 - Bạn có tâm hồn du lịch, thích khám phá những vùng đất đẹp, song vì dịch bệnh COVID-19 nên không thể đi xa, vậy thì, tại sao không thử trải nghiệm những chuyến du lịch trong tỉnh An Giang. Nếu muốn tìm một nơi có phong cảnh hữu tình để được hòa mình với thiên nhiên, hãy đến với Thoại Sơn, vùng đất hiếu khách với nhiều cảnh đẹp làm say mê lòng người.

A A

Nếu muốn chinh phục độ cao, vươn mình sảng khoái khi phóng tầm mắt nhìn những cánh đồng trù phú từ trên cao, núi Ba Thê là lựa chọn khá thú vị cho những người thích phiêu lưu. Núi Ba Thê là đỉnh cao nhất trong nhóm núi tạo thành từ đá hoa cương, gồm: núi Nhỏ và núi Trọc ở phía Bắc, núi Tượng về phía Đông Bắc, núi Trọc nằm giữa thị trấn Thoại Sơn và xã Vọng Thê, núi Sập ở phía Đông. Gò Óc Eo cách chân núi Ba Thê khoảng hơn 1km về phía Tây Nam.

Đình Thoại Ngọc Hầu uy nghiêm từ ngoài vào trong

Núi Ba Thê có đỉnh Thạch Đại Đao. Trên đỉnh núi có một thanh đại đao bằng đá, trông lừng lững, uy nghi. Truyền miệng dân gian nơi đây kể rằng, từ rất xa xưa, trong một đêm mưa gió, lưỡi tầm sét đã đánh vào tảng đá lớn trên đỉnh núi này. Tảng đá bị chẻ nhỏ, hiện lên một cây đại đao. Từ đó, núi mang tên Thạch Đại Đao. Và người ta đã dựng cây đại đao bằng đá này vươn cao trên đỉnh núi, chĩa thẳng lên mây trắng trời cao, dựng miếu thờ và tượng Phật, cầu cho hùng khí hưng phát. 

Từ núi Ba Thê, theo hướng Thoại Sơn - Long Xuyên hơn 15km, ta có thể khám phá núi Sập. Bên cạnh cảnh đẹp của thiên nhiên, trên triền núi Sập còn có bia Thoại Sơn cao 3m, ngang 1,2m, dày khoảng 20cm, mặt bia chạm 629 chữ do Thoại Ngọc Hầu cho khắc dựng vào năm 1822.

Đây là di tích lịch sử quan trọng, đánh dấu việc khơi thông kênh Thoại Hà từ núi Sập tới Rạch Giá dài trên 30km, giúp ích rất nhiều trong vận chuyển đường thủy và dẫn thủy nhập điền, góp phần nâng cao đời sống người dân. Với địa hình đa dạng từ sông nước hữu tình đến đồng lúa mênh mông hay núi non huyền bí, vùng đất Thoại Sơn từ lâu đã là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Ngoài những danh lam thắng cảnh, như: lòng hồ ông Thoại, Linh Sơn tự, tượng Phật 4 tay, bàn chân Tiên, thạch đại đao huyền bí trên núi Ba Thê, du khách đến Thoại Sơn không thể quên một di tích lịch sử rất quan trọng, đó là đình Thoại Ngọc Hầu. Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá. Sau khi được vua Gia Long chấp thuận, đầu mùa xuân năm 1818, ông chỉ huy 1.500 dân binh khởi công đào kênh. Kênh đào theo lạch nước cũ nên thuận lợi dễ dàng, trải qua 1 tháng đã hoàn thành công trình.

Công trình đào kênh hoàn tất, Thoại Ngọc Hầu vẽ bản đồ và báo cáo với triều đình Huế được vua Gia Long khen ngợi, ra lệnh lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt cho tên sông là Thoại Hà. Lại thấy trên bờ đông của sông Thoại Hà có một trái núi gọi là núi Sập, liền cho cải tên là Thoại Sơn. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Hàng năm, vào ngày mùng 10, 11, 12 tháng 3 (âm lịch), dòng người từ khắp mọi nơi về núi Sập để tham dự lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu. Mùng 10-3 cũng là ngày diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của huyện Thoại Sơn. Lễ hội là dịp để mọi người tưởng nhớ công lao to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu trong việc khẩn hoang, khai phá vùng đất Thoại Sơn.

Để tâm hồn thanh tịnh, đình, chùa là những điểm đến không thể bỏ qua cho những ai có dịp đặt chân đến Thoại Sơn. Nào là Vĩnh Hòa tự (tọa lạc xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) - ngôi chùa nhỏ, nép mình khiêm nhu ở vùng quê bình dị. Ngôi chùa được thành lập cách đây hơn 100 năm theo kiến trúc kiểu chữ “Quốc” truyền thống, có giá trị và tính thẩm mỹ cao. Viếng chùa Vĩnh Hòa dù bất cứ thời khắc nào, phật tử có thể tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.

Điểm đầu tiên gây ấn tượng với những ai đặt chân đến viếng chùa Vĩnh Hòa là thiết kế hình chữ “Quốc” của ngôi chùa. Với cách thiết kế cầu kỳ, nóc cổ lầu mái tứ cấp lợp ngói đại tiểu, diềm ngói hình hoa sen, hoa cúc tráng men xanh. Đỉnh nóc trang trí bộ tượng lưỡng long triều pháp bảo, ngọc hư cung; 2 bên vách cánh én đắp nổi phù điêu Kim Sí Điểu. Mặt dựng các cấp mái vẽ tranh chủ đề mai, điểu, sóng mây, tùng - lộc, tùng - hạc... Mặt chính diện trang trí tranh vẽ chủ đề hoa sen - biểu tượng gắn liền với Phật pháp. Tổng thể các nét vẽ đều mang đến sự gần gũi, hài hòa từng đường nét dù là nhỏ nhất.

Đất trời vẫn còn vấn vương hương xuân, Thoại Sơn vẫn còn nổi bật với nhiều “danh lam thắng cảnh” như Thiền viện Trúc Lâm An Giang, lòng hồ số 1… chắc chắn sẽ không làm mọi người thất vọng một khi đã đến thăm. Tuy nhiên, mọi người luôn phải nhớ giải pháp “5K” trong phòng, chống dịch bệnh COVID để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.

PHƯƠNG LAN